Bếp ăn ít thịt khiến giá gà giảm mạnh

07:33, 14/07/2009

Các bếp ăn tập thể - nơi tiêu thụ một lượng lớn gà công nghiệp - đã phải cắt giảm mạnh số lượng thịt do kinh tế khó khăn. Hiện nay, nguồn cung lại rất dồi dào nên giá gia cầm sụt giảm tới 60% - ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết.  

 

Trao đổi với phóng viên, ông Sơn nói rằng, có hai lý do khiến giá gia cầm sụt giảm là sức mua giảm, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp nên đầu ra kém. Hơn nữa, sản lượng cung đang vượt cầu khi 6 tháng đầu năm, chăn nuôi gia cầm tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 256 triệu con tổng đàn.

 

Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin NN&PTNT (Agro Info) nhận định, việc chăn nuôi ồ ạt theo phong trào khi thấy giá lên của một số hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi lớn dẫn đến nguồn cung tăng mạnh.

 

Nhiều chủ chăn nuôi muốn bán tháo hàng để cắt lỗ nên càng làm thị trường thịt và thực phẩm trầm lắng hơn hoặc rớt giá thê thảm như tình trạng hiện thời của các hộ nuôi gà ở Đồng Nai. Theo ước tính, hiện giá gà đã giảm khoảng 60% so với đầu năm.

 

Về lý do lượng gia cầm nhập khẩu tăng tác động mạnh lên giá trong nước, theo ông Sơn, là không thuyết phục bởi từ đầu năm đến nay, sản lượng thịt gia cầm và phụ phẩm "ngoại" vào Việt Nam giảm đến 78%, chỉ đạt 37.841 tấn; giá trị nhập khẩu cũng giảm tới gần 34%.

 

Ông Sơn cho rằng, để giá gia cầm trong nước tăng cao rất khó trong bối cảnh cung - cầu hiện nay.

 

Điều quan trọng là làm thế nào để hạ giá thành chi phí đầu vào cho chăn nuôi, bởi khảo sát của Cục Chăn nuôi cho thấy, giá giảm như vậy, nhưng không phải hộ nào, ở địa phương nào cũng lỗ. Chẳng hạn, khảo sát của Cục tại Vĩnh Phúc, các trang trại nuôi 15.000-20.000 con vẫn đang có lời.

 

Trong chi phí đầu vào, ngoài giá giống đã rẻ, thì giá thức ăn vẫn ở mức cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thức ăn khó có thể giảm thêm, bởi các doanh nghiệp đang tồn kho một lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập về với giá đắt đỏ từ năm ngoái.

 

Trong khi đó, hiện trên thị trường thế giới, giá hầu hết các mặt hàng nguyên liệu lại tăng khá mạnh. Tính tới cuối tháng 6/2009, giá khô đậu tương Ấn Độ tăng 48,8% so với hồi đầu năm, và cao hơn 0,7% so với mức giá cùng kỳ năm trước - năm có mức giá tăng cao đỉnh điểm.

 

Tương tự, so với đầu năm nay, giá bột thịt, bột xương Aghentina tăng 15%, giá bột cá Peru tăng khoảng 3%... Vì vậy, để giảm giá thức ăn chăn nuôi vẫn là bài toán nan giải.