Các doanh nghiệp chưa mặn mà với cụm công nghiệp, vì sao?

11:25, 13/07/2009

T.P Thái Nguyên hiện có 3 cụm công nghiệp, với tổng diện tích hơn 70 ha. Đến nay, sau nhiều năm quy hoạch, mới có 11 doanh nghiệp lập dự án và được chấp thuận đầu tư vào các khu công nghiệp, với diện tích đăng ký 20,7ha. Theo đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Kinh tế thành phố thì việc thu hút doanh nghiệp vào các cụm công nghiệp lâu nay vẫn rất khó khăn. Vậy nguyên nhân từ đâu?

 

Hình thành các cụm công nghiệp để thúc đẩy phát triển công nghiệp là một trong những đòi hỏi và cũng là quy luật tất yếu trong sự phát triển kinh tế – xã hội hiện nay. T.P Thái Nguyên đã xây dựng Đề án Quy hoạch cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2006 - 2010. Chủ trương này nhằm phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thành phố một cách bền vững, tránh gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2003, T.P Thái Nguyên đã xây dựng 2 cụm công nghiệp số 1 và số 2 tại phường Tân Lập với diện tích hơn 40ha. Và mới đây, khi tiếp nhận thêm 2 xã của huyện Đồng Hỷ là Cao Ngạn và Đồng Bẩm, thành phố có thêm 1 cụm công nghiệp nữa đó là cụm công nghiệp Cao Ngạn với diện tích 29,9ha. Như vậy, toàn thành phố hiện có 3 cụm công nghiệp, với tổng diện tích hơn 70ha.

 

Đối với Cụm công nghiệp số 2, diện tích 6ha, đã có 4 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, lấp đầy diện tích. Nhưng ở Cụm công nghiệp số 1, diện tích là 28,58ha, đến nay mới có 2 doanh nghiệp lập dự án và được chấp thuận đầu tư với diện tích 7,4ha, trong đó có 1 doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động, doanh nghiệp còn lại đang trong quá trình đăng ký đầu tư. Còn Cụm công nghiệp Cao Ngạn mặc dù đã được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết từ tháng 1-2005, nhưng khi thành phố tiếp nhận cũng mới có 5 doanh nghiệp lập dự án và được chấp nhận đầu tư, với diện tích đăng ký trên 11ha và hiện mới có Doanh nghiệp Thiên Thanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại, với 1,1 ha đất đã đưa vào sử dụng; 4 doanh nghiệp còn lại vẫn đang trong quá trình triển khai.

 

Cũng theo đồng chí Nguyễn Đức Thắng, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến các doanh nghiệp không mặn mà với các cụm công nghiệp chính là do kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp đều chưa có. Trước đây, khi xây dựng Đề án Quy hoạch cụm công nghiệp và làng nghề T.P Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010, thì việc đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp số 2 sẽ do UBND T.P Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vì nhiều lý do khác nhau nên ý tưởng đó đã không được thực hiện. Thế nên, thành phố buộc phải chấp nhận phương án để các doanh nghiệp tự đầu tư kết cấu hạ tầng, dù biết rằng việc làm này sẽ không mang tính đồng bộ, nhất là đối với việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải. May mà các doanh nghiệp đầu tư vào đây với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh như: chế biến chè xuất khẩu, đồ gỗ nội thất, sản xuất, kinh doanh thiết bị điện nên ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Duy chỉ có Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên với ngành nghề xây dựng, sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, bê tông tươi là có nguồn nước thải ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường.

 

Đối với 2 cụm công nghiệp còn lại, từ khi khảo sát đến lúc lập dự án khả thi đã có 2 công ty đăng ký làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và đã được tỉnh phê duyệt. Riêng đối với Cụm công nghiệp số 1, sau khi có quyết định phê duyệt dự án khả thi và thành phố cho công bố quy hoạch, đã có 17 dự án xin đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác thống kê bồi thường giải phóng mặt bằng thì số tiền bồi thường cao hơn nhiều lần so với dự án khả thi, do đó nhà đầu tư đã xin thôi không làm chủ đầu tư nữa. Số doanh nghiệp xin đầu tư vào cụm công nghiệp vì thế đã giảm theo. Điều này cũng xảy ra ở Cụm công nghiệp Cao Ngạn. Mới đây, Cụm công nghiệp số 1 lại bắt đầu khởi động với 1 công ty khác đến xin đăng ký đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đây được xem là tín hiệu tốt để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Để việc thu hút đầu tư đạt kết quả như mong muốn thì vấn đề “trải thảm đỏ” giữ chân nhà đầu tư đang được thành phố đặc biệt quan tâm chú trọng thông qua việc thực hiện đầy đủ, nhanh nhất các cơ chế chính sách của Nhà nước và của tỉnh. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư ban đầu cho việc lập dự án quy hoạch chi tiết, dự án khả thi, thiết kế kỹ thuật thi công và lập dự toán; hỗ trợ 100% kinh phí làm đường trục chính đến chân hàng rào cụm công nghiệp; tổ chức công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nếu doanh nghiệp có nhu cầu; thành phố chịu trách nhiệm quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư, giao đất cho các hộ dân trong diện di dời để lấy đất làm cụm công nghiệp.

 

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với cụm công nghiệp đó là xuất đầu tư trung bình cho 1 ha đất thường cao gấp 2-2,5 lần so với các tỉnh cùng khu vực (vì đất lấy làm cụm công nghiệp phần lớn là đất đô thị); chính sách bồi thường đất đai, tài sản, hoa màu có nhiều thay đổi nên trong quá trình tính toán bồi thường gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.

 

Trong quá trình tìm hiểu về các cụm công nghiệp trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy có một thực tế rất đáng lo ngại là, trong khi chưa có đơn vị nào đứng ra đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (như ở Cụm công nghiệp Cao Ngạn) thì nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vẫn được chấp thuận đầu tư. Cụ thể ở đây là dự án sản xuất bao bì các tông sóng, cơ khi đúc đồng, luyện than cốc. Điều này không phải chính quyền địa phương không tính được, mà theo như cách lý giải của đồng chí Nguyễn Đức Thắng thì trong khi có rất ít doanh nghiệp tìm đến cụm công nghiệp do chưa có kết cấu hạ tầng thì việc lựa chọn nhà đầu tư là điều rất khó thực hiện. Nếu cứ đợi có kết cấu hạ tầng mới cho doanh nghiệp hoạt động thì chẳng biết đến khi nào Cụm công nghiệp Cao Ngạn nói riêng, các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung mới đi vào hoạt động... Đây cũng là vấn đề cần sớm có giải pháp thích hợp, hiệu quả.

 

Được biết, căn cứ theo Nghị quyết số 278/2005/QĐ-TTg ngày 2-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc triển khai lập đề án quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn, mới đây, Ban Thường vụ Thành uỷ Thái Nguyên đã nhất trí thông qua phương án quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn do UBND thành phố lập. Theo đó sẽ mở rộng Cụm công nghiệp Cao Ngạn với diện tích từ 150-170ha; mở rộng Cụm công nghiệp số 1 và số 2 Tân Lập lên khoảng 150 ha; hình thành khu công nghiệp công nghệ cao thuộc địa bàn xã Quyết Thắng rộng khoảng 250ha. Như vậy, cùng với Khu công nghiệp Gang thép có diện tích 290ha, trong tương lai, T.P Thái Nguyên sẽ có khoảng 800ha đất dành cho phát triển công nghiệp. Qua đó đã và đang mở ra cho thành phố nhiều tiềm năng và cơ hội mới trong phát triển công nghiệp nói riêng, các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung. Song, điều này cũng đang tiềm ẩn nhiều khó khăn, vướng mắc và nguy cơ, đặc biệt là về vấn đề môi trường. Vì thế, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng như T.P Thái Nguyên cần thiết phải tính đến việc định hướng lựa chọn, phân bố ngành nghề sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp để sản xuất công nghiệp được phát triển theo hướng tập trung ngành nghề, đồng thời giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường…