Bên cạnh các gói kích cầu của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh để duy trì hoạt động, Chính phủ còn "tung ra" một gói kích cầu nhằm đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đó là tiếp tục đầu tư cho vay vốn tín dụng Nhà nước để hỗ trợ, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Trong đó, đầu tư cho xây dựng, sửa chữa công trình thuỷ lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương cấp III, đầu tư trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp; kiên cố hóa đường giao thông nông thôn do cấp xã quản lý; đầu tư hạ tầng làng nghề; đầu tư hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2009, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn vay xây dựng cơ sở hạ tầng trên cho 9 huyện, thành, thị (gọi tắt là các huyện) với số tiền 80 tỷ đồng, với phương thức đầu tư: Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng đóng góp để xây dựng công trình. Mức vốn Nhà nước hỗ trợ cho mỗi công trình cao nhất là 80% chi phí xây dựng (không tính chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng nếu có). UBND các huyện căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, quy định tỷ lệ hỗ trợ cho từng xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã) để trình HĐND cùng cấp phê duyệt với mức hỗ trợ không vượt quá mức hỗ trợ quy định trên.
Căn cứ vào nguồn vốn được phân giao, các huyện đã tiến hành triển khai. Tuy nhiên cho đến nay, hầu hết các huyện mới đang dừng lại ở bước triển khai vì còn phải phụ thuộc vào kỳ họp HĐND các huyện vào thời điểm tháng 6 mới quyết định thông qua cơ chế sử dụng nguồn vốn. Chỉ huyện nào có kỳ họp HĐND bất thường thì mới triển khai sớm được. Từ lý do này nên đến nay, chỉ có huyện Phú Bình là đơn vị duy nhất cơ bản hoàn tất hồ sơ và có thể khởi công các công trình được trong tháng 7/2009. Bên cạnh đó, tuỳ vào từng điều kiện của các địa phương nên mỗi huyện có cách phân bổ, quản lý nguồn vốn trên cho phù hợp với địa phương, song cùng chung một mục tiêu chung là đúng mục đích, có hiệu quả.
Chị Hà Thị Nhàn, Trưởng Phòng tài chính - Kế hoạch (TC-KH) huyện Phú Bình cho biết: "Huyện được phân giao chỉ tiêu nguồn vốn là 10 tỷ 400 triệu đồng. HĐND huyện họp bất thường vào tháng 6-2009 nên đã thông qua được tờ trình về cơ chế sử dụng nguồn vốn vay trên. Huyện đã phân bổ cho 20 công trình thuộc 19/21 xã, thị trấn, trong đó có 13 công trình thuỷ lợi, 7 công trình giao thông. Tuy nhiên, huyện cũng có điều kiện rất chặt chẽ, chỉ những xã nào đáp ứng về các điều kiện: vốn đối ứng, mặt bằng, có năng lực quản lý, lo được 20% phần thiết kế. Hiện nay, các xã đã cơ bản triển khai xong và 12 xã có công trình thuỷ lợi, 5/7 xã có công trình giao thông đã gửi hồ sơ về Phòng TC-KH huyện để thẩm định. Phòng đang tích cực phối hợp với các phòng chuyên môn để thẩm định hồ sơ theo quy trình. Dự kiến trong tháng 7/2009 các công trình sẽ được khởi công".
Còn đối với các huyện khác do phải đợi thông qua HĐND huyện nên hầu hết mới bắt đầu được triển khai. Anh Nguyễn Minh Tú, Phó Phòng TC-KH huyện Định Hóa cho biết: Nguồn vốn trên huyện chỉ hỗ trợ cho các xã thực sự có nhu cầu và có khả năng huy động các nguồn lực trong dân chứ không thực hiện chia bình quân cho các xã (tổng vốn được phân bổ cho huyện là 11,8 tỷ đồng). Bên cạnh đó, điều kiện giao kế hoạch đầu tư cũng rất chặt chẽ: Chỉ những xã có biên bản họp với dân về lựa chọn danh mục đầu tư; có phương án huy động vốn đối ứng bằng tiền và cam kết thực hiện của xã; danh mục đầu tư phù hợp với quy hoạch của ngành; tại thời điểm giao kế hoạch vốn phải có ít nhất 70% tổng số vốn đối ứng bằng tiền của nhân dân nộp tại Kho bạc Nhà nước huyện. Hiện nay, huyện cũng đã thành lập được Ban chỉ đạo triển khai đến các xã để đăng ký và sẽ giao vốn cho các xã khi có đủ các điều kiện trên. Ngày 30/7 là hạn cuối cùng các xã có cam kết huy động vốn".
Với huyện Đại Từ (được giao vốn là 15 tỷ đồng, nhiều nhất so với các huyện), thực hiện phân bổ vốn cho các xã theo đơn vị hành chính và xã nào có nhiều xóm thì được phân bổ nhiều hơn. Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa triển khai được với lý do: Theo quy định của tỉnh, giao cho UBND xã làm chủ đầu tư và UBND huyện hướng dẫn chủ đầu tư lập, phê duyệt dự toán. Trong khi đó, các xã không đủ năng lực để lập dự toán thiết kế, phải đi thuê sẽ mất nhiều tiền. Vì vậy đến nay huyện chưa triển khai được.
Còn ở T.P Thái Nguyên, chị Vũ Thị Bích Thuỷ, Trưởng Phòng TC-KH thành phố cho biết: Thành phố được phân giao chỉ tiêu 5,2 tỷ đồng nguồn vốn này, nhưng phải đợi họp HĐND thành phố vào ngày 29-7 tới mới thông qua được quy chế quản lý, sử dụng nguồn vốn. Sau đó, các xã mới có căn cứ để huy động dân đóng góp. Quan điểm của thành phố là các xã đề nghị cần làm ở đâu, căn cứ vào nguồn vốn được phân bổ cùng với nguồn vốn bổ sung của ngân sách thành phố từ nguồn thu tiền sử dụng đất (3 tỷ đồng) để đầu tư. Đối với huyện Võ Nhai, ông Đào Xuân Phượng, Trưởng phòng TC-KH lại cho biết: huyện sẽ phân bổ bình quân cho mỗi xã 500 triệu đồng (tổng nguồn vốn của toàn huyện là 7,5 tỷ đồng); huyện cũng đã thông qua Nghị quyết về cơ chế sử dụng vốn. Hiện nay, huyện đang triển khai thực hiện cam kết ở các xóm nên chưa rõ địa chỉ các công trình ...
Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh về cơ chế sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009- 2015 đã được HĐND tỉnh thông qua ngày 13- 4-2009; UBND tỉnh đã có Quyết định ban hành quy định cơ chế sử dụng vốn từ ngày 29- 4-2009. Tuy nhiên, với những lý do nêu ở trên nên hầu hết các huyện chưa triển khai được nguồn vốn này. Nếu các huyện sớm triển khai, đôn đốc thực hiện (nhất là ở những nơi chưa có danh mục công trình) thì các xóm, xã sẽ chậm được hưởng lợi công trình. Như vậy, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.