Trước đây, ngành chăn nuôi của Đại Từ chỉ bó gọn trong sản xuất tự cấp tự túc. Người nông dân loay hoay với các giống gia súc, gia cầm của địa phương có tầm vóc nhỏ, chất lượng kém, chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, dịch bệnh luôn đe dọa, rình rập... Tuy nhiên, những năm gần đây, Đại Từ đã đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) mới vào sản xuất ngành chăn nuôi đã có nhiều khởi sắc. Toàn huyện hiện có gần 22 nghìn con trâu, bò; trên 64 nghìn con lợn và gần 790 nghìn con gia cầm…
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đại Từ cho biết: Hiện nay, việc chuyển giao KHKT tới người nông dân được duy trì thường xuyên bằng phương thức tập huấn, tổ chức các buổi hội thảo, xây dựng các mô hình điểm để bà con học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Trong 2 năm (2007-2008), huyện đã tổ chức 18 lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản cho trên 1 nghìn hộ dân tham gia. Nhờ vậy đã góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi ở địa phương, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm cho nông dân, từng bước giảm nghèo trong nông thôn.
Trong chăn nuôi lợn, các hộ nông dân đã chú trọng vào cải tạo giống. Toàn huyện có trên 300 hộ chăn nuôi các giống lợn lai, lợn ngoại có năng suất, chất lượng thịt cao, thời gian xuất chuồng ngắn. Đặc biệt, thời gian gần đây người dân tích cực đưa các giống lợn có tỷ lệ nạc cao vào chăn nuôi ngày một nhiều góp phần giảm ngắn chu kỳ chăn nuôi từ 6-7 tháng trước kia (thậm chí là 1 năm) xuống còn 2-3 tháng như hiện nay; trọng lượng lợn xuất chuồng tăng bình quân 20-40 kg/con, tạo điều kiện cho các hộ tăng quy mô đàn từ 1-3 lần.
Không chỉ quan tâm cải tạo giống, Đại Từ còn khuyến cáo người dân áp dụng các phương pháp chăn nuôi tiên tiến như chăn nuôi nái ngoại theo phương pháp công nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, chăn nuôi theo hình thức trang trại, sử dụng giống lợn lai, máng ăn, vòi uống nước tự động, xây hầm bioga, sử dụng máy phát điện chạy bằng ga… đã góp phần giải quyết vấn đề lao động, tăng thu nhập cho nông dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đối với đàn trâu bò, người dân địa phương chủ yếu chăn nuôi, nhỏ lẻ, manh mún, thức ăn thiếu về số lượng, mất cân đối về thành phần dinh dưỡng nên năng suất, sản lượng không cao, chất lượng thịt không đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhằm nâng cao tầm vóc, thể trạng, sức cày kéo của đàn trâu, bò địa phương, Đại Từ đã thực hiện cải tạo, phát triển đàn trâu, bò địa phương bằng cách lai giữa bò vàng địa phương và bò ngoại, tạo ra giống bò lai có trọng lượng cao. Huyện cũng tổ chức bình tuyển được 2 đàn trâu tại xã Văn Yên, Lục Ba; hỗ trợ mua 2 con trâu đực tại xã Phục Linh, Hùng Sơn; xây dựng 2 trang trại chăn nuôi bò cái lai Sind tại xã Hùng Sơn, Văn Yên và mô hình khuyến nông chăn bò sinh sản giống lai Sind tại xã Tiên Hội.
Trong chăn nuôi gia cầm, các giống gà lông màu, vịt, ngan lai cũng được nông dân chăn nuôi rộng rãi, chiếm trên 40% tổng đàn. Cùng với đó, người dân còn ứng dụng KHKT vào các khâu: tiêm vác xin phòng bệnh cúm gia cầm, phun phòng tiêu độc định kỳ… đã hạn chế dịch bệnh xảy ra. Năm 2008, huyện còn xây dựng mô hình nuôi gà áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tại xã Tiên Hội. Trong chăn nuôi thuỷ sản, huyện ứng dụng KHKT vào xây dựng các mô hình như nuôi ba ba, nuôi lươn, cá lóc bông… góp phần bổ sung các giống mới vào chăn nuôi thuỷ sản. Gần đây, Đại Từ còn phối hợp với Viện nghiên cứu thuỷ sản, Trung tâm thuỷ sản tỉnh tiến hành khảo sát, đo mực nước tại một số xã ven dãy chân núi Tâm Đảo như Văn Yên, Mỹ Yên, Ký Phú… để phát triển chăn nuôi thủy sản trong giai đoạn tiếp theo… Nhờ tích cực áp dụng KHKT nên giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt gần 70 tỷ đồng, tăng 4,65 tỷ đồng so với năm 2007, góp phần đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành mũi nhọn chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp ở Đại Từ.