Điều chỉnh thuế sẽ không liên quan đến giá sữa

08:21, 23/07/2009

Việc điều chỉnh thuế sữa theo phương án của Bộ Tài chính sẽ không ảnh hưởng gì tới giá cả trong nước. Bản chất của vấn đề là câu chuyện quản lý giá.

 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang khẳng định như vậy khi trao đổi với  phóng viên về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu sữa.

 

Ngay sau khi Bộ Tài chính có văn bản đề nghị, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Hội đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị chưa nên tăng thuế nhập khẩu sữa vào lúc này. 

 

Rất dễ “vin gió bẻ măng”

 

Ông Thắng cho rằng, theo quan điểm của Hội Bảo vệ người tiêu dùng “Việc tăng thuế sữa có thể sẽ là cái cớ để các công ty sữa thực hiện việc tăng giá. Thực tế sau mỗi lần tăng thuế nhập khẩu, thì giá cả nhiều mặt hàng trong đó có sữa đều tăng theo. Điều này gây bất lợi cho người tiêu dùng”.

 

Do vậy, ông Thắng đề nghị: Trước mắt chưa nên tăng thuế nhập khẩu sữa mà nên tăng cường công tác quản lý giá đối với mặt hàng này. Khi nào giá sữa giảm xuống đến mức hợp lý thì lúc đó mới nên nghĩ đến việc tăng thuế để đảm bảo mức giá mới không vượt mức giá như hiện nay.

 

Trao đổi với phóng viên chiều 22/7, ông Nguyễn Đăng Vang – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phân tích: Theo phương án 2 về điều chỉnh thuế của Bộ Tài chính, thì sản phẩm sữa dùng cho y tế là 5% (vẫn thấp hơn so với cam kết WTO) là không tăng lên. Sữa bột đã pha thêm đường và chất tạo ngọt khác (sữa đóng gói sẵn trong hộp thiếc) vẫn giữ 7% (loại này chiếm khoảng 22% sản lượng sữa trên thị trường còn giá trị bằng tiền khoảng 35%). Có điều chỉnh các loại thông thường khác (nhóm 1901) từ 10% giảm xuống còn 7% và sữa bột chưa pha thêm đường hoặc chưa bổ sung thêm các chất tạo ngọt khác thì điều chỉnh từ 3% lên 5% (tăng chủ yếu vào sữa nguyên liệu nhập về nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trước đây và so với cam kết WTO). Mức thuế 5% tương đương với mức thuế đã ký kết trong AFTA.

 

Như vậy, theo ông Nguyễn Đăng Vang, mức tăng 2% chủ yếu tập trung vào nguyên liệu để chế biến. Giá sữa nguyên liệu trước đây là 5.300 USD/tấn đến giờ xuống còn trung bình từ 1.800 – 2.200 USD/tấn. Như vậy, cùng một số tiền trước đây mua được 1 tấn sữa thì nay mua được hơn 2,5 tấn sữa. “Cho nên việc tăng 2% (thuế) so với 250% giảm (giá sữa nguyên liệu) thì chẳng có nghĩa lý gì cả” – ông Vang nói. Cho nên, việc điều chỉnh thuế sữa theo phương án của Bộ Tài chính sẽ không ảnh hưởng gì tới giá cả trong nước.

 

Các công ty sữa siêu lãi

 

Theo Báo cáo tài chính của Công ty sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) kế hoạch cả năm là đạt 1.490 tỷ đồng lãi ròng (lợi nhuận sau thuế), chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm đã đạt 1019 tỷ (trong trường hợp thuế TNDN 11%), còn nếu vẫn áp dụng thuế suất 22% (nghĩa là không có chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ để kích cầu) thì lãi 893 tỷ đồng (đạt 68,5%) với kế hoạch là 1.303 tỷ đồng). Số lãi này tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2008. Với tổng doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 4.865 tỷ đồng mà lãi ròng đạt 1.019 tỷ đồng (trên 20%) “Lãi khủng khiếp” – ông Nguyễn Đăng Vang đã phải thốt lên như vậy. Nghĩa là nếu một người tiêu dùng mua 20.000 đồng tiền sữa thì VNM đã có 4.000 đồng lãi.

 

“Hiện giờ người tiêu dùng đang bị móc túi rất khủng khiếp, gấp 1,5 lần năm trước. Bản chất của vấn đề là quản lý giá chứ không phải là câu chuyện điều chỉnh thuế” – ông Vang nói.

 

Cùng quan điểm này, TS Đỗ Kim Tuyên cho rằng, thực tế giá sữa nhập khẩu đã hạ từ 5.000 USD/ tấn xuống còn 2.000 USD/ tấn nhưng giá sữa trong nước không giảm mà lại còn tăng. Do vậy, vấn đề không phải là do thuế. Và việc điều chỉnh thuế sữa sẽ không ảnh hưởng đến giá sữa nếu chúng ta quản lý giá tốt. Giá sữa trong nước cao là do các công ty đã chi trả khoản tiền lớn cho chi phí vận chuyển, lưu kho, quảng cáo... và tỷ giá giữa VND và ngoại tệ. Và chi phí này đã được các nhà phân phối sữa cộng vào giá sữa.

 

Theo phân tích của ông Nguyễn Đăng Vang, mục đích của Bộ Tài chính là “sắp xếp lại các mức thuế cho dễ quản lý” chứ không có chuyện tăng thuế ở đây, thậm chí còn là giảm (các loại khác và sữa thông thường giảm từ 10% xuống còn 7%). “Việc điều chỉnh này có thể sẽ bị lợi dụng để tăng giá sữa trên thị trường. Bởi lẽ, trong văn bản của Bộ Tài chính không đề cập gì đến sữa của trẻ em, sữa hộp nhập khẩu… Cho nên, về mặt nào đó trong văn bản cần phải giải thích rằng nếu tăng thuế như phương án đề ra thì không liên quan đến sữa thành phẩm nhập vào Việt Nam”.

 

Ông Vang cũng chắc chắn một điều: “Nếu nghiên cứu kỹ thì việc điều chỉnh này không ảnh hưởng gì đến thị trường. Chúng ta cũng phải tính đến phương án, văn bản này sẽ bị cố tình giải thích thêm làm chệch mục đích ban đầu, vì người dân đâu có đọc văn bản này. Vì thế, các phương tiện truyền thông phải giải thích kỹ để tránh cho người tiêu dùng bị lợi dụng”.