Dự án vào vừa mừng vừa lo!

14:31, 30/07/2009

Những cánh đồng ở xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) bao năm qua cho thóc lúa đầy bồ, để người nông dân vơi đi gánh nặng cơm áo. Có những thửa ruộng nhờ luân canh gối vụ tốt đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Nay dự án vào, lúa, màu nhường chỗ cho trường học, bệnh viện, đời sống của người dân cũng sẽ có nhiều thay đổi. Mừng đó, nhưng vẫn còn lo: Giá đền bù đất thấp; sẽ giải quyết vấn đề về môi trường, an ninh trật tự sau khi có các dự án ra sao?

 

Người dân nơi đây đã thẳng thắn bày tỏ những điều mà họ đang trăn trở với chúng tôi. Trên cánh đồng làng Đông, bác Nguyễn Văn Trung chia sẻ: Người nông dân chúng tôi quanh năm chân lấm tay bùn, có được thửa ruộng màu mỡ thế này là hạnh phúc lắm. Bởi đất có tốt thì năng suất lúa, màu mới cao, nồi cơm mới đầy. Mất mấy chục năm phục hóa, cải tạo ruộng đồng, nay Nhà nước lại cho máy xúc, máy ủi vào cày xới, lòng già này cũng thấy xót xa. Nhưng vì sự phát triển chung của quê hương, đất nước, chúng tôi sẵn sàng bàn giao đất cho dự án. Nhưng chỉ băn khoăn một nỗi, nếu bệnh viên, trường học về đây thì vấn đề giải quyết môi trường sẽ ra sao? Bảo đảm an ninh trật tự thế nào? Chúng tôi mong muốn các chủ dự án, các nhà đầu tư cần lưu ý, quan tâm trước mắt những vấn đề này, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

 

Xã Đồng Bẩm có tổng diện tích đất canh tác hơn 230 ha, nằm ven theo bờ sông Cầu, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó,  80% hệ thống mương máng đã được kiên cố hóa cùng với 6 trạm bơm công suất lớn, bảo đảm điều tiết nước tưới tiêu, nên dù thường xuyên phải đối mặt với thiên tai lũ lụt, nhưng năng suất lúa ở đây vẫn đạt cao, từ 48-50tạ/ha. Nhiều cánh đồng cấy lúa, trồng rau màu cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Hiện xã chỉ còn 34 hộ nghèo trên tổng số hơn 1.400 hộ dân. Dự án xây dựng Bệnh viện diều dưỡng và phục hồi chức năng Phúc Thắng và Trường đại học Việt Bắc thực hiện tại đây sẽ lấy đi 5 ha đất canh tác thuộc 5 xóm Đồng Tâm, Đồng Bẩm, Văn Thánh, Tân Hương và làng Đông. Bộ mặt nông thôn xã Đồng Bẩm sẽ có nhiều thay đổi, khởi sắc, bởi khi bệnh viên và trường học đi vào hoạt động, tất yếu dịch vụ, thương mại sẽ phát triển, những hộ nông dân bị mất đất sản xuất có thể chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất kinh doanh ngành nghề khác, phát triển thương mại, dịch vụ, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn trồng lúa, trồng màu, lại giảm công lao động.

 

Bài toán nghe có vẻ giản đơn, nhưng khi trao đổi với ông Đặng Đình Bắc, Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm thì đó lại chính là vấn đề khiến cho cấp uỷ, chính quyền địa phương đang phải mất rất nhiều thời gian để bàn thảo, đưa ra các giải pháp khả thi đối với hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có nhiều hộ bị mất 100% diện tích đất canh tác; và đó cũng là ý kiến được đề cập đến nhiều nhất tại các buổi tiếp xúc cử tri. Ông Bắc cho biết: Người dân xã Đồng Bẩm chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Nhờ sản xuất nông nghiệp nhiều gia đình cũng đã thóat nghèo. Họ đã quen với cách thức sản xuất, sinh hoạt và trình độ canh tác. Nay dự án vào, đất đai phải thu hồi để bàn giao cho Dự án, diện tích đất canh tác bị thu hẹp, người nông dân phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thích nghi với điều kiện sống mới vì không phải ai cũng biết sử dụng đồng tiền được đền bù một cách có hiệu quả hoặc đủ khả năng, năng lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Hơn nữa, vấn đề vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự là rất đáng lo ngại, hiện nay xã Đồng Bẩm vẫn còn có trên 100 người nghiện ma tuý. Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng về các vấn đề này. Chưa kể, địa phương chúng tôi vẫn đang phải đối mặt với một thực tế mà mấy năm qua chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân, đó là: Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Sơn Lâm trong quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường… 

Đất trồng lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, do vậy phải được quản lý chặt chẽ và sử dụng một cách tiết kiệm. Bảo vệ đất lúa cũng chính là góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn...

 

Trong những năm gần đây, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là lấy đất trồng lúa xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị… diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, đã gây ra những hệ luỵ cho đời sống kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn. Việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất chỉ diễn ra một chiều, tức là từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, trong khi việc phục hồi theo chiều ngược lại hoàn toàn không dễ và rất ít khả thi. Vẫn biết, vì mục tiêu phát triển, không thể cứ “ôm” khư khư đất nông nghiệp, nhưng rõ ràng trong khi có nhiều sự lựa chọn khác nhau trong xu thế chuyển dịch, thì không thể cứ chăm chăm nhắm tới việc thu hồi đất chuyên lúa - một tài nguyên thiên nhiên mà phải trải qua ngàn đời mới có được. Đất chuyên lúa là kết quả lao động sáng tạo của người nông dân ở nước ta qua bao đời nay, kéo theo đó là hệ thống hạ tầng về đường xá, cầu cống, mạng lưới tưới tiêu... phục vụ cho sản xuất lúa, màu, thế nhưng khi định giá đất lúa thì những yếu tố này lại thường không được tính đến. Theo chúng tôi, vấn đề rất đáng lưu tâm là không có lý gì tài nguyên đất chuyên lúa lại được tính ngang bằng với các loại đất khác ở trung du, miền núi hay những vùng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nếu đất chuyên lúa được định giá gấp 2, gấp 5, hay thậm chí gấp 10 lần so với các loại đất khác ở những vùng núi, vùng khó khăn thì bài toán kinh tế này sẽ khiến các nhà đầu tư phải suy tính lại xem có nên lấy đất chuyên lúa hay không. Tất nhiên không phải giá đất quyết định tất cả. Song việc định giá đúng giá trị của đất lúa để từ đó có những quyết sách phù hợp cho người trồng lúa, địa phương giữ đất lúa là hết sức cần thiết.

 

Bài toán giữ đất lúa hiện đang được tính toán trên phạm vi cả nước để làm sao giảm bớt thiệt thòi cho bà con nông dân, giữ vững an ninh lương thực quốc gia mà vẫn đảm bảo đẩy mạnh công nghiệp - dịch vụ theo xu hướng phát triển bền vững. Công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang được Đảng, Nhà nước ta chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện, song khi triển khai tại các địa phương thì không có nghĩa là cứ phải biến đổi những chân ruộng màu mỡ, phì nhiêu thành nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị…, trong khi diện tích đất đồi bãi, bạc màu có thể sử dụng vào mục đích này lại còn nhiều. Trong khi hơn 70% số dân ở xã Đồng Bẩm hiện sống dựa vào sản xuất nông nghiệp (trên phạm vi cả nước tỷ lệ này cũng tương đương) thì rõ ràng việc lấy diện tích đất chuyên canh lúa, màu phục vụ cho các dự án cần được các cấp, ngành chức năng tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả nhiều chiều…