Ghi nhận từ 2 trang trại chăn nuôi lớn nhất tỉnh

08:22, 21/07/2009

Một ngày nắng nóng tháng 7, chúng tôi về xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) để tìm hiểu về môi trường chăn nuôi sau trang trại. Điểm chúng tôi lựa chọn là trang trại chăn nuôi gia cầm của gia đình bà Nguyễn Thị Lan và trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Đỗ Văn Ban. Đây là 2 trang trại được Chi cục HTX – PTNT đánh giá là những trang trại lớn nhất tỉnh hiện nay.

 

Cả 2 trang trại đều tường cao, cổng kín và được xây dựng cách xa khu dân cư. Để vào được bên trong, chúng tôi phải nhờ cậy đến uy tín của một số đồng chí lãnh đạo địa phương. Chủ trang trại chăn nuôi gia cầm, bà Nguyễn Thị Lan giải thích: Đây là một trong những nguyên tắc phòng dịch của trang trại, ngay cả những người làm công ở đây cũng hạn chế việc ra ngoài.

 

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về việc xử lý môi trường trong quá trình chăn nuôi, ông Dương Xuân Thường, chồng bà Lan không ngần ngại, đưa chúng tôi đi khắp lượt. Năm 2006, gia đình ông bà Thường - Lan đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm. Trên diện tích 2 ha, vợ chồng ông xây dựng 4 khu nhà nuôi nhốt gia cầm quy mô 8.000 con/lứa. Cứ 2 tháng trang trại cần 188 tấn thức ăn chăn nuôi và xuất bán 90 tấn gà thương phẩm. Trừ các ngày làm vệ sinh chuồng trại giữa các đợt xuất - nhập gia cầm, trung bình mỗi năm trang trại chăn nuôi ít nhất 4 lứa. Với quy mô chăn nuôi lớn như vậy thì “cái đầu ra” của con gia cầm cũng phải “đong đếm” bằng tấn/lứa. Nhưng nhờ đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải là quạt gió làm mát và các loại “phụ trợ” khác như trấu, chế phẩm sinh học... nên mùi đặc trưng vốn có của trang trại chăn nuôi được xử lý khá triệt để.

 

Ông Đặng Quốc Bảo, một trong hơn 20 lao động thường xuyên của trang trại này cho biết: Để không gây ra mùi khó chịu, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm, trước lúc nhập gà con, nền chuồng được trải 1 lượt trấu dày từ 17 đến 20 cm. Hằng ngày trấu được đảo để vùi trộn phân gà xuống dưới. Cùng đó, hệ thống nước cho gà uống không bị rò rỉ ra nền trấu. Hằng ngày hệ thống quạt thông gió chạy 24/24 giờ để làm khô nền trấu. Sau mỗi lần xuất gà, số trấu từ 4 khu nhà nuôi nhốt gia cầm bán được khoảng 30 triệu đồng cho người trồng chè và cây cảnh.

 

Trong xử lý chất thải, so với chăn nuôi gia cầm thì trang trại chăn nuôi lợn có phần phức tạp hơn. Với quy mô chăn nuôi trên 1.200 lợn nái ngoại, 100 lợn hậu bị và 22 con lợn lọc (đực), mỗi tháng trang trại có khoảng gần 4.000 con lợn sữa được xuất chuồng. Để duy trì đàn lợn, trung bình mỗi tháng trang trại cần một lượng thức ăn gần 140 tấn... Tuy nhiên “đầu ra của lợn” cũng rất nhiều, tính bằng đơn vị tấn/ngày. Bác sĩ thú y Trần Văn Kiên, người được Công ty Charoen pokphanc Việt Nam điều động đến làm việc tại trang trại cho biết: Đây là trang trại có hợp đồng chăn nuôi với Công ty, điều kiện để sản xuất ra sản phẩm an toàn chính là môi trường chăn nuôi, vì thế trang trại được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải rất bài bản. Quy trình xử lý chất thải được bắt đầu ngay từ trên nền chuồng, hằng ngày phân lợn được công nhân đóng bao, bán cho nông dân phục vụ bón chè và cây ăn quả chỉ có nước tiểu và nước rửa chuồng được đưa xuống bể biogas xử lý bón tưới cho 2 ha chè, cây ăn quả của trang trại.

 

Ông Đỗ Văn Ban cho biết: Hiện trang trại vừa hoàn thành thêm một hệ thống xử lý chất thải với trị giá xây dựng hơn 60 triệu đồng. Còn trước đó (2005 - 2007), trang trại đã đầu tư gần 100 triệu đồng cho hệ thống xử lý chất thải. Để nước thải không bị thẩm thấu, gây ô nhiễm ra ngoài môi trường tự nhiên, tại các bể chứa lắng cuối cùng còn được xây chát chống thấm.

 

Bà Nguyễn Thị Học, Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho hay: Thuận lợi của 2 trang trại chăn nuôi này đều ở xa trung tâm dân cư. Quan trọng hơn, chủ trang trại đều có hợp đồng chăn nuôi với các công ty lớn, yêu cầu của các công ty này đòi hỏi chủ trang trại phải đầu tư xây dựng khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm khoa học, có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Năm 2008, các cơ quan chức năng của tỉnh đã vào khảo sát, đo đếm các chỉ số về môi trường và có kết luận: Các trang trại chăn nuôi này đều bảo đảm các chỉ số cho phép.

 

Qua thực tế ở 2 trang trại chăn nuôi lớn nhất tỉnh, cho thấy chủ trang trại đều có ý thức quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Trong tư duy làm ăn, họ đều coi việc xử lý tốt chất thải chăn nuôi, không để gây ô nhiễm môi trường là điều kiện sống còn. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng để các trang trại chăn nuôi lớn có nhiều cơ hội phát triển hơn so với các hộ chăn nuôi ở quy mô nhỏ. Hiện, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Ban vừa xây dựng hoàn thiện thêm khu chăn nuôi, bể xử lý chất thải quy mô gần 5.000 đầu lợn thịt, với trị giá xây dựng gần 1 tỷ đồng. Còn trang trại của gia đình bà Lan, dự định xây dựng thêm 2 nhà nuôi nhốt gia cầm vào cuối năm nay, quy mô 8.000 con/nhà, với trị giá xây dựng hơn 1 tỷ đồng.