Hiệu quả kinh tế từ nuôi gà Ác

15:46, 06/07/2009

Gà Ác, giống gà đen từ lông vào đến trong tuỷ còn được gọi là gà thuốc. Tuy giống gà này chỉ có trọng lượng từ 7 đến 8 lạng/con, nhưng sau chu kỳ nuôi 70 ngày, tại thị trường Thái Nguyên có giá bán khoảng 150 nghìn đồng/con, cao gấp đôi so với giống gà địa phương nuôi thả vườn.

 

Ông Nguyễn Huy Thanh, Kỹ sư chăn nuôi thú y, Phó trưởng Trạm Khuyến nông T.X Sông Công đã nói với chúng tôi như vậy. Và đã đưa chúng tôi về phường Lương Châu, địa bàn được Trạm Khuyến nông Thị xã triển khai mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh năm 2009, trong đó có con gà Ác.

 

4 hộ tham gia mô hình ở phường Lương Châu là: Trịnh Tuấn Anh, tổ dân phố 6; Đỗ Văn Hoàn, tổ dân phố 3 và 2 hộ Dương Thị Cường, Tạ Văn Tiến cùng ở tổ dân phố 4. Đây là những hộ có kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm và tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất tại địa phương.

 

Từ trung tuần tháng 5/2009, Trạm Khuyến nông đã mang 400 con gà Ác từ Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi (Viện Chăn nuôi) về giao cho 4 hộ dân nói trên. Để động viên nông dân, các hộ chăn nuôi gà Ác được Nhà nước hỗ trợ 40% tiền giống, 20% tiền thức ăn và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Trò chuyện với chúng tôi, bà Cường xởi lởi: Lúc mới nhận gà về nuôi, chúng chỉ to như cục bông biết chạy... Lúc gà nuôi được 50 ngày, nhiều bà con trong xóm biết đã đến hỏi mua với giá 50 nghìn đồng/con để về hầm rau ngải bồi bổ cho cha mẹ già hoặc các cháu nhỏ bị sài đẹn.

 

Nhìn đàn gà mang bộ lông đen đúa, chân có 5 ngón chạy ràn rạt khi thấy người lạ, bà Cường cho biết thêm: Đây là loại gà nhỏ nên ăn ít, dễ nuôi, có sức đề kháng cao... Gia đình có dự định nhân giống gà này bán cho bà con trong vùng. Qua câu chuyện chúng tôi biết: Gia đình bà Cường là một trong những hộ đầu tư cho chăn nuôi gia cầm từ hơn mười năm nay. Với quy mô chăn nuôi thường xuyên từ 600 đến 800 con gà, vịt các loại, mỗi năm cho thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng. Nhưng khi nuôi thử giống gà Ác thấy có hiệu quả kinh tế, gia đình bà có dự định đầu tư xây dựng quy mô chuồng trại sạch, thoáng hơn để dần thay thế giống gà Lương Phượng, gà Sác Xô.

 

Trao đổi về mô hình nuôi gà Ác, nhiều bà con nông dân phường Lương Châu đều có chung nguyện vọng được nuôi loại gà này. Bà Dương Thị Sơn, tổ dân phố 4 nói với chúng tôi: Khoảng 5 năm trước, vợ chồng tôi về Ba Vì (Hà Nội) thăm người nhà, mua được chục trứng gà Ác. Khi cho ấp thấy nở ra cả gà lông đen và gà lông trắng, nhưng khi thịt thì con nào cũng đen từ da, thịt, xương và ăn rất ngon. Biết loại gà này bồi bổ cơ thể cho người bị suy nhược rất hiệu quả, nên bà con trong vùng đến mua hết. Tiếc là ngày đó gia đình tôi bán hết cả gà Ác giống, chưa có điều kiện về quê tìm mua lại giống gà này. Còn ông Tiến, tham gia nuôi 100 con gà Ác với Trạm Khuyến nông cho biết: Tỷ lệ gà nuôi sống của gia đình đạt 100%. Sau khi cho ăn cám con cò 24 ngày, tôi tự phối chế thức ăn từ cám ngô, cám gạo, đậu tương, lạc... cho ăn, tạo cho gà Ác thích nghi dần với điều kiện chăn thả tự nhiên.

 

Được biết trước đây ông Tiến đã nuôi nhiều loại gà như: Gà địa phương thả vườn, gà Tam Hoàng, Gà Lương Phượng, Gà chọi, ngan Pháp... mỗi năm đạt thu nhập khoảng gần 70 triệu đồng. Nhưng khi tham gia mô hình nuôi gà Ác, thấy việc chăm sóc gà nhàn hơn, có hiệu quả kinh tế cao hơn thì cả vợ cùng chồng "mê" luôn. Bấm đốt tay, ông Tiến làm phép tính nhẩm: 1 con gà Ác nuôi 70 ngày, đầu tư hết 60 nghìn đồng tiền thức ăn, bán được 150 nghìn đồng, trừ chi phí còn có lãi 90 nghìn đồng. Trong khi một số gà cho năng suất cao như gà Lương Phượng, Tam Hoàng hoặc ngan Pháp gia đình vẫn nuôi có số thời gian nuôi tương đương, nhưng chỉ có lãi từ 20 đến 30 nghìn đồng/con. Một ưu điểm nữa của giống gà Ác là có khả năng kháng bệnh cao và đang là “của hiếm” trên thị trường. Tuy nhiên để giống gà này phát triển tốt, chuồng trại chăn nuôi phải thoáng, rộng, bảo đảm vệ sinh - Ông Tiến đúc kết.