Ngoài ý nghĩa hỗ trợ, Dự án phát triển sản xuất (Chương trình 135 giai đoạn 2) còn mang tính kích cầu mạnh mẽ cho người nông dân vùng khó. Năm 2007, khi Dự án bắt đầu triển khai tại xã Điềm Mặc với tổng vốn khoảng 240 triệu đồng, đã có trên 130 hộ nông dân địa phương được hỗ trợ phát triển sản xuất. Mục tiêu chủ yếu mà giai đoạn đầu của Dự án hướng tới là hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc và trồng chè cành.
Dự án đã hỗ trợ 27 hộ nông dân mua trâu cái sinh sản, 34 hộ nuôi bò cái sinh sản, 1 hộ nuôi bò đực giống laisind và 77 hộ tham gia trồng chè cành. Ông Nguyễn Văn Hiệp, xóm Bình Nguyên 3 là một trong số các hộ nông dân được hưởng lợi từ Dự án này. Gia đình ông được hỗ trợ mua một con bò sinh sản với trị giá gần 4 triệu đồng. Sau khi bò đẻ lứa đầu, lứa thứ hai rồi các lứa kế tiếp, ông mới nhận thấy hết giá trị của chăn nuôi bò sinh sản. Từ thực tế đó, ông quyết định phát triển thêm đàn bò bằng cách vay vốn ngân hàng, huy động tiền trong gia đình, bạn bè để tập trung xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông đã có trên 40 con trâu, bò thịt và sinh sản, trở thành một trong hàng chục trang trại chăn nuôi quy mô của xã và huyện. Ông cho biết, gia đình ông phát triển chăn nuôi được cũng là nhờ có sự khởi đầu thuận lợi đó. Sự khởi đầu ấy chính là được Nhà nước hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăn nuôi và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội.
Hiện nay tại xã Điềm Mặc đã có tới 7 mô hình trang trại chăn nuôi hiệu quả với số lượng từ 30 đến 60 con trâu, bò/mô hình. Điều đáng nói là hầu hết xuất phát điểm hoặc động lực kích thích phát triển của các mô hình này ít nhiều có sự trợ giúp của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Đó là các trang trại của ông Ma Công Sự, xóm Bản Bắc (trên 50 con bò), Nông Đình Minh (30 con bò), Nông Đình Mâu (60 con trâu, bò), xóm Bản Bắc 1, Hoàng Thanh Chiến, xóm Đồng Vịnh 1 (trên 50 con trâu, bò, ngựa)…
Gia đình anh Trần Văn Thanh, xóm Song Thái 3 là một trong hàng trăm hộ nông dân của xã được Dự án phát triển sản xuất hỗ trợ trồng chè cành và mua máy hái chè. Nhờ vậy, gia đình anh đã trồng cải tạo và trồng mới được khoảng 4.000m2 chè cành, nâng tổng diện tích trồng chè của gia đình lên 1,8ha. Hiện nay, mỗi lứa chè gia đình anh thu về gần 5 tạ búp khô, tương đương với khoảng 6 triệu đồng/lứa. Nhờ có máy hái chè và sự hỗ trợ tích cực của các máy nông cụ khác nên hiệu suất lao động của gia đình anh tăng cao, góp phần không nhỏ cải thiện cuộc sống vốn khó khăn bấy lâu.
Được biết, từ năm 2008 đến nay, xã Điềm Mặc đã tiếp nhận trên 210 triệu đồng vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135 giai đoạn 2. Xã đã dành 78 triệu đồng hỗ trợ mua máy cày, bừa cho 9 nhóm hộ, dành 15 triệu đồng mua máy hái chè cho 3 nhóm hộ, trên 74 triệu đồng mua trâu, bò cái sinh sản cho 23 hộ, dành 40 triệu đồng hỗ trợ trồng chè cành cho 75 hộ (gần 6ha). Qua kiểm tra đánh giá hầu hết các hộ được hỗ trợ sản xuất đều phát huy hiệu quả. Từ những hỗ trợ ban đầu của Dự án, nhiều hộ đã phát triển rộng thêm lên để trở thành những mô hình trạng trại, không ít hộ thuộc diện nghèo của xã đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ còn trở nên khá giả. Do là nguồn vốn hỗ trợ, nên việc chọn lựa, bình xét đối tượng thụ hưởng Dự án sao cho đúng với nhu cầu thực tế luôn được xã chú trọng thực hiện công khai, minh bạch. Xã đã thành lập Ban quản lý Dự án gồm 7 người, trực tiếp đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Ngoài nhiệm vụ chỉ đạo điều hành, lập kế hoạch, Ban quản lý còn thực hiện công tác nghiệm thu kết quả của từng hộ tham gia Dự án. Theo ông Đoàn Viết Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc thì đây không chỉ là chương trình hỗ trợ của Chính phủ mà thực tế còn là một trong những biện pháp kích cầu phát triển sản xuất trong nông thôn miền núi. Dự án này chỉ hướng vào những hộ nông dân thực sự có nhu cầu, bởi vậy tính hiệu quả của Dự án rất cao. Ban quản lý Dự án của xã đã phân công các thành viên phụ trách từng xóm, vừa đôn đốc, theo dõi, vừa kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Hơn nữa, xã cũng tổ chức ký cam kết với các hộ dân thực hiện và duy trì chỉ tiêu của Dự án này từ 5 năm trở lên…
Đây là một vài ghi nhận thực tế ở Điềm Mặc-một trong 17 xã của huyện Định Hoá được tham gia Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chính phủ. Nhân đây cũng xin thông tin thêm, hiện tại toàn huyện Định Hoá đã có trên 1.900 hộ dân được hỗ trợ sản xuất với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực đối với người nông dân của huyện miền núi đang còn nhiều khó khăn này.