Kiểm soát giá hàng hóa, không để “té nước theo mưa”

08:38, 09/07/2009

Xăng, dầu tăng giá khiến nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này chưa khiến lạm phát tăng cao, nhưng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường, cần chủ động kiểm soát giá hàng hóa.

 

Mỗi lần tăng giá xăng, dầu, hay tăng lương đều đẩy giá các loại hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Lần tăng giá xăng, dầu từ ngày 1/7 vừa qua cũng không phải là ngoại lệ. Đến nay, giá nhiều mặt hàng, dịch vụ đã tăng đáng kể.

 

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho biết đã có 3 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội tăng giá cước từ 700 - 800 đồng/km. Chỉ trong ít ngày nữa, số doanh nghiệp còn lại sẽ tăng giá cước từ 5 - 12% tùy theo việc trước đó đã điều chỉnh sau mỗi lần xăng, dầu tăng giá hay chưa.

 

Không để “té nước theo mưa”

 

Theo các chuyên gia kinh tế, do xăng, dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, nên giá xăng, dầu tăng khiến mặt bằng giá tăng là điều bình thường. Tuy nhiên, điều không bình thường ở đây chính là tình trạng lợi dụng giá xăng, dầu tăng để tăng giá hàng hóa, dịch vụ theo kiểu "té nước theo mưa" nhằm "móc túi" người tiêu dùng. Dù đây là câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong việc ngăn chặn vấn nạn này.

 

Muốn chủ động kiểm soát hiện tượng tăng giá hàng hóa để giúp thị trường phát triển lành mạnh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thay đổi phương thức kiểm tra, thanh tra giá.

 

Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, không nên kiểm tra giá theo kiểu bề rộng, dàn trải như hiện nay, mà nên dồn sức kiểm tra bất ngờ các mặt hàng mà người dân có nhu cầu tiêu dùng lớn như: Nhóm hàng ăn uống, dịch vụ giải trí, vật liệu xây dựng... để xử lý các hành vi vi phạm. "Những đối tượng có số lần tái phạm cao, cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra lại thì mới tạo sức răn đe. Cũng cần tăng chế tài xử phạt theo hướng nặng hơn đối với hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý gây tác động xấu đến thị trường", ông Long đề xuất.

 

Còn Tiến sĩ Quách Đức Pháp, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, đề nghị để giảm thiểu tình trạng tăng giá hàng hóa, dịch vụ vô tội vạ, cần nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách. Tiến sĩ cho rằng nên tăng cường kiểm soát độc quyền, kiểm tra cơ cấu hình thành giá hàng hóa, dịch vụ; mạnh tay xử lý các trường hợp liên kết tăng giá bất hợp lý; khuyến khích hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa, tạo sự cạnh tranh bình đẳng.

 

Theo Cục Quản lý giá, về lâu dài, để hạn chế những vi phạm về giá, cần tập trung điều hành giá nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Từng bước xóa bao cấp, bù giá đối với những hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp giá, đi đôi với việc thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng gặp khó khăn trong sản xuất, các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, đối tượng chính sách.

 

Cảnh giác với lạm phát

 

Tình trạng tăng giá hàng hóa, dịch vụ, nhất là tăng theo kiểu bất hợp lý đang tác động tiêu cực đến tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tiến sĩ Ngô Trí Long cảnh báo do cơ cấu giá thành của một số mặt hàng, dịch vụ chưa được kiểm soát chặt, nên nếu không cẩn thận thì đây chính là yếu tố khó lường đẩy chỉ số CPI tăng cao. Bởi vậy, để loại trừ rủi ro này, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát khâu hình thành giá của một số loại hàng hóa, dịch vụ tác động nhiều đến rổ giá cả.

 

Cũng chia sẻ lo ngại nguy cơ lạm phát quay lại ở mức bất lợi, nhưng một số chuyên gia tin tưởng năm nay chỉ số CPI chỉ tăng một con số. Theo Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nếu cứ đem chỉ số tăng trưởng GDP dự kiến trong năm nay khoảng 5% so với mức bội chi ngân sách khoảng 8%, cộng với tình trạng tăng giá bất hợp lý thì được kết quả là cần cảnh giác với nguy cơ lạm phát cao quay lại.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2009 mới chỉ tăng 2,68% với tốc độ tăng GDP, thì chưa ngại lạm phát tăng cao trong năm nay.

 

"Năm 2009, dự báo chỉ số CPI tăng khoảng 6 - 7%. Đây là con số hài hòa với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5%. CPI ở mức hợp lý sẽ tạo động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong bối cảnh nỗ lực để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế mà chỉ số CPI quá thấp, thì khó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Bởi vậy, việc điều hành sao cho chỉ số CPI giữ được ở mức trên sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế trong năm nay", ông Kiêm phân tích.