Sản phẩm chè Thắng Hường của gia đình anh Trần Văn Thắng (xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên) lâu nay đã được người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn. Đó là vì các sản phẩm chè móc câu, chè nõn tôm và gần đây là sản phẩm chè đinh của gia đình anh đã đạt tới sự tinh tế...
Chúng tôi đến gia đình anh Thắng đúng lúc vợ chồng anh đang sao mẻ chè mới. Trong khu nhà xưởng rộng rãi, sạch sẽ, 3 chiếc tôn quay và 1 chiếc máy vò chè đang chạy, phía bên là chiếc máy dập túi bóng được phủ vải cẩn thận. Chè tươi mới hái rải trong những chiếc nong to, xếp gọn gàng trên kệ nhiều ngăn, anh Thắng vui vẻ cho biết: Khu nhà xưởng này tôi đầu tư hết 170 triệu đồng, nhờ có nó mà chúng tôi rút ngắn được thời gian và công sức. Vì vậy mỗi năm gia đình tôi chế biến được khoảng 2 tấn chè khô thường, 1 tạ chè nõn tôm, và khoảng chục cân chè đinh.
Giá chè móc câu của gia đình anh luôn cao gấp đôi giá chè cùng loại trên thị trường. 5 năm trở lại đây, anh bắt tay sản xuất chè nõn tôm, bán giá 300-500 nghìn đồng/kg, cao hơn chè móc câu 4 đến 5 lần. Và 2 năm gần đây, gia đình anh sản xuất thêm sản phẩm chè đinh, 1kg chè đinh có giá bán tới 2,5 triệu đồng. Thấy chúng tôi lạ lẫm với sản phẩm chè "đinh" , anh Thắng nhúm 1 ít chè đinh cho chúng tôi xem. Trong lòng bàn tay vuông vức, chi chít vết nhựa, gần chục nõn chè xanh đen nhỏ như chiếc kim có vân xoắn nằm gọn lỏn, trông khác hẳn với những búp chè khô mà chúng tôi vẫn thường thấy. Anh cho biết, 1 kg trà đinh có thể cho 60 lít nước trà ngon, gấp 3 lần so với trà nõn tôm đặc sản. Thế nhưng để có 1kg “trà đinh” này phải cần đến 20 thợ giỏi hái búp nõn còn đang ngậm chặt nhọn như chiếc đinh (chính vì thế mà anh gọi đó là trà đinh) suốt một ngày trên diện tích 3 sào.
Mỗi năm anh thu nhập gần 200 triệu đồng từ chè. Điều đáng nói ở đây là trong khi phần lớn hàng nông sản, trong đó có sản phẩm chè, phải chịu cảnh ép giá, thì anh Thắng lại có thể tự định giá sản phẩm của mình. Chè của gia đình anh sản xuất đến đâu hết đến đó. Thậm chí có thời điểm, khách phải đặt trước mới có hàng.
Để khách hàng chấp nhận mua chè giá cao hơn giá thị trường thì là cả một câu chuyện dài. Bí quyết làm chè của anh Thắng không dừng lại ở sự nghiêm ngặt, cầu kỳ mà đã đạt tới sự tinh tế trong từng công đoạn chăm sóc, thu hái, sao sấy. Trước hết ở khâu chọn giống, gia đình anh Thắng chỉ toàn trồng chè trung du. Chỉ có cây chè trung du rễ cọc, lá dày mới đủ sức chống chọi với giá rét, khô hạn để ra búp vào vụ đông, là vụ đạt lợi nhuận cao nhất trong năm.
Có được sản phẩm chè ngon ngay từ khâu thu hái gia đình anh đã áp dụng một tiêu chuẩn nghiêm ngặt: chè móc câu hái một tôm hai lá, chè nõn tôm chỉ hái phần búp nõn và 1 lá non liền kề, còn chè đinh chỉ chọn những búp nõn còn đang ngậm chặt nhọn như chiếc đinh vào lúc trời không nắng gắt, hoặc mưa. Hái xong cho vào sọt cứng bằng tre đan, mang về nhà, trải ra nong nhẹ nhàng, tránh dập gãy chỉ để khoảng 1 đến 2 tiếng là cho vào sao suốt. Búp chè tươi cho vào tôn quay sao lần 1 diệt men, lần sao này, chè dẻo như bún, dỡ chè ra máy vò để tạo vân xoắn và làm dập chè vừa đủ. Sau đó, lại cho vào tôn quay sao tiếp, lần này để sao khô. ở lần sao này, những búp chè xoắn chặt, khô giòn mà không cháy đã thoang thoảng hương rồi. Lần sao thứ 3 là đánh mốc, tạo hương, lần này búp chè phải thơm nức mùi hương cốm.
Việc tưới tiêu, bón phân, trừ sâu phải được tính toán hợp lý để cây chè không bị khai thác quá sức và cho những sản phẩm an toàn. Anh chia sẻ, để sao được mẻ chè ngon thì cảm giác của bàn tay là quan trọng nhất, cảm giác này chỉ có được qua sự đam mê, học hỏi, đúc rút qua nghề, đó là kinh nghiệm của người làm chè. Anh học được từ mẹ anh, người sao chè trên những chảo gang lớn, vừa sao vừa dùng tay để vò và chính bàn tay là “nhiệt kế” để quyết định mức độ củi đốt trong từng công đoạn. Ngày nay, anh làm chè bằng máy vò, lò quay, nhưng kinh nghiệm của người làm chè thì vẫn không có gì thay thế được. Anh đã rèn luyện đến độ khi là chè tươi mới đưa vào lò, đưa tay vào lò hứng chè để đo độ nóng còn khi chè đã dần khô, anh Thắng nói rằng, chỉ cần nghe tiếng kêu của chè khi rơi anh cũng đủ biết nhiệt lượng thiếu hay đủ. Giờ đây, khi làm chè anh đã có đủ kinh nghiệm để thành công 100%. Điều đó khiến sản phẩm chè của gia đình anh khẳng định được chữ tín trên thị trường.