Người trồng nấm mong có đầu ra ổn định

11:02, 27/07/2009

Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, cách nói chuyện cởi mở với nụ cười luôn thường trực, đó là nét khắc họa về người phụ nữ được mệnh danh là "vua nấm" - chị Nguyễn Thị Minh, ở tổ 13, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên).

 

Chị Minh đến với nghề trồng nấm rất tình cờ. Đó là năm 2005, sau lần thất bại với mô hình chăn nuôi gà, đang loay hoay chưa biết chọn nghề gì thì chị được mời tham gia một lớp tập huấn trồng nấm do phường tổ chức. Tại đây, chị đã được đi tham quan một số mô hình trồng nấm của các học viên trong lớp, càng tìm hiểu sâu về nó chị càng thấy "mê" cái sắc trắng muốt của nấm sò, cánh nở xòe của nấm linh chi và điều làm chị thích nhất đó bởi nấm chỉ là món ăn ngon, bổ dưỡng còn là thuốc chữa bệnh. Chính vì thế, ngay sau khi kết thúc khóa học, chị Minh quyết định đầu tư trồng nấm. Không có vốn, chị vay ngân hàng 10 triệu đồng, cùng với vay mượn thêm bạn bè được gần 20 triệu đồng để đầu tư lò hấp, xây 1 gian nhà xưởng và mua giống nấm.

 

Lứa đầu tiên, chị trồng 5.000 bịch nấm linh, khoảng 2.500 bịch nấm sò và 5.000 bịch mộc nhĩ. Về cách trồng, chị thực hiện theo đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc học được từ lớp tập huấn. Ban đầu, chị cũng tìm mua mùn cưa về sàng lọc lấy hạt nhỏ đem ủ nước vôi trong vòng khoảng 10 ngày, sau đó đóng bịch rồi cho vào lò hấp đốt ở nhiệt độ 100 độ C, đối với nấm linh chi thì đốt trong vòng 16 giờ, còn nấm sò chỉ cần đốt khoảng 8-10 giờ. Sau khi hấp, các bịch được chuyển ra phòng cấy giống, chờ đến khi bịch nguội thì ươm giống. Sau 25 ngày mới rút bông, đến khi nhú mầm thì treo các bịch nấm lên. Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng quá trình thực hiện lại không hề giản đơn, trong thời gian đó, nấm cần phải được chăm sóc thường xuyên mà yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc cũng rất khắt khe, nhiệt độ luôn giữ ở mức 22-28 độ C, độ ẩm khoảng 85% và phòng trồng nấm phải có ánh sáng và độ thông thoáng hợp lý. Vì thế, người trồng nấm phải cẩn thận ở tất cả các khâu, phòng trồng nấm phải được tẩy trùng sạch sẽ, tủ cấy giống cũng phải tuyệt đối vô trùng, khi hấp bịch phải duy trì nhiệt độ ổn định và tiếp nước thường xuyên…

 

Lứa đầu tiên, gia đình chị đã thu được 3 tạ nấm linh chi khô, 3 tạ mộc nhĩ và 2,5 tấn nấm sò bán được khoảng 100 triệu đồng. Thành công lớn này càng tiếp thêm cho chị niềm tin vào nghề trồng nấm. Chị tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình, năm 2007, chị xây thêm khu nhà xưởng rộng 50m2, năm 2008 chị lại xây tiếp khu nhà xưởng rộng trên 100m2 để trồng nấm. Hiện, tổng diện tích nhà xưởng của chị lên đến gần 300m2, mỗi năm chị thu khoảng 24 tấn nấm sò, trên 2 tạ nấm linh chi khô, tổng thu nhập từ nấm mỗi năm được khoảng trên 200 triệu đồng (chưa trừ chi phí).

 

Hơn 4 năm trong nghề trồng nấm, chị Minh thuộc làu làu những đặc tính của các loại nấm: Nấm linh chi chỉ có thể trồng bằng mùn gỗ bồ đề, gỗ cao su, còn nấm sò có thể trồng bằng nhiều loại mùn nhưng cần tránh những loại cây có nhiều dầu như: Phi lao, bạch đàn, nghiến… Sau mỗi vụ, chị lại rút kinh nghiệm và đến nay chị đã tự tìm cho mình bí quyết riêng để đạt hiệu quả cao như: Khi đóng bịch thì cho thêm rơm để tạo độ xốp, cho đường để kích thích lên men… Chính nhờ những kinh nghiệm tự đúc rút này mà tỷ lệ cấy giống thành công của chị đạt đến 99% - một tỷ lệ ít thấy ở các mô hình trồng nấm trong tỉnh.

 

Chúng tôi len lỏi giữa những bịch nấm linh chi được treo san sát, chị Minh trải lòng: "Nhìn những cánh nấm xòe ra tựa một màn đồng diễn múa quạt đẹp mắt, tôi lại thấy lòng háo hức lạ. Tuy nhiên đầu ra của loại nấm này hiện nay đang gặp khó khăn. Trước đây có một số khách người Trung Quốc tìm đến tận nhà để mua với số lượng khá lớn, nhưng thời gian gần đây không thấy họ quay trở lại. Lứa thu hoạch vừa qua còn hơn 1 tạ vẫn xếp trên gác chưa bán được. Mong sao có được "chiếc cầu" nối nhà sản xuất với người tiêu dùng để người trồng nấm không còn những lo âu..."