Chịu ảnh hưởng xấu của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2009 vẫn tăng về số lượng, tuy nhiên, giá trị kim ngạch lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng rớt giá khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phải "mua đắt" mà "bán rẻ".
Do dự báo thông tin giá cả thị trường thiếu chính xác, nên lúc thị trường quốc tế giá cao thì hiệp hội, doanh nghiệp không biết để tăng đơn hàng xuất khẩu. Khi giá rớt lại hốt hoảng bán tháo khiến cả doanh nghiệp, nông dân đều thua thiệt, có doanh nghiệp dẫn đến phá sản. Mặt khác, công nghệ chế biến hàng nông sản còn lạc hậu, vì vậy chưa thể đa dạng hóa khâu chế biến, khiến mặt hàng đơn điệu, bao bì chưa bắt mắt. Chưa nói đến việc hàng nông sản thường bán qua các đầu mối trung gian, chưa trực tiếp làm ăn với các nhà nhập khẩu lớn.
Việc xuất khẩu nông sản với số lượng lớn đang trở thành động lực thúc đẩy nền nông nghiệp nước ta phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa lớn. Tuy nhiên, khi xu thế bảo hộ hàng hóa trong nước với những rào cản kỹ thuật trên thế giới ngày càng tăng, đòi hỏi ngành chức năng và các doanh nghiệp phải xác định lại chiến lược cạnh tranh hàng nông sản bằng việc tập trung đầu tư chiều sâu cho những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường sự tham gia của các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Cần tập trung quảng bá và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp với các thương hiệu hàng hóa có chất lượng để người tiêu dùng thế giới, các nhà nhập khẩu lớn biết và sử dụng. Có như vậy mới thoát khỏi tình trạng hàng nông sản luôn bị ép giá vì thương hiệu chưa đủ sức cạnh tranh và chi phối thị trường.