Thêm hơn 7.886 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất được giải ngân

08:42, 28/07/2009

Tính đến ngày 23/7 dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam là 385.581,53 tỷ đồng. Như vậy, so với một tuần trước đó, số dư nợ cho vay đã tăng 7.886,92 tỷ đồng, tương đương tăng 2,08%.

 

Tính theo nhóm tổ chức tín dụng thì nhóm NHTM Nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương cho vay nhiều nhất với mức dư nợ là 271.289,52 tỷ đồng, tăng 5.182,43 tỷ đồng (tương đương tăng 1,94%).

 

Tiếp đến là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần: 90.753,49 tỷ đồng, tăng 1.857,18 tỷ đồng (tương đương tăng 2,08%); nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 19.203,78 tỷ đồng, tăng 506,82 tỷ đồng (tương đương tăng 2,71%); công ty tài chính là 4.334,73 tỷ đồng, tăng 360,48 tỷ đồng (tương đương tăng 9,07%).

 

Tính theo đối tượng khách hàng vay vốn, doanh nghiệp Nhà nước vay 60.440,15 tỷ đồng; doanh nghiệp ngoài nhà nước (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài …) vay 257.237,57 tỷ đồng; hộ sản xuất là 67.903,80 tỷ đồng.

 

Trong tuần qua, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp đã tổ chức hội thảo "Hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ" tại Hà Nội. Tại đây nhiều chuyên gia cho rằng các gói kích cầu đã có vai trò quan trọng bởi đã hỗ trợ hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gói kích cầu, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ.

 

Cũng tại hội thảo, ông Nick Freeman, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu cải thiện từ quý II/2009. Các ngành chức năng cần xác định thời điểm kết thúc chiến lược kích thích kinh tế. Tuy nhiên, theo ông, việc này là rất khó bởi nếu kết thúc quá sớm, nền kinh tế có thể suy thoái trở lại, còn nếu kết thúc quá muộn thì có thể bị tái lạm phát.