Từ tiết kiệm chi tiêu, đội ngũ lãnh đạo xã Bá Xuyên, Thị xã Sông Công có một khoản tiền làm lộ phí đi học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế ở Thủ đô Hà Nội. Họ đã mang về cho người dân Bá Xuyên mô hình trồng bí xanh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân nơi đây thoát nghèo.
Tháng 8/2008, từ vùng đất nghèo xã Bá Xuyên (T.X Sông Công), một chuyến xe 7 chỗ ngồi đã đưa các ông Đồng Ngọc Bể, Bí thư Đảng uỷ xã; Đồng Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã; Đồng Văn Quy, Phó Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ chuyên môn khác về xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội). Nhưng đây không phải chuyến thăm quan, du lịch hay nghỉ mát, mà đó là chuyến đi học tập kinh nghiệm làm giàu của đội ngũ cán bộ xã Bá Xuyên. Kinh phí cho chuyến đi hết tất tật hơn 1 triệu đồng được trích từ việc thực hành tiết kiệm chi của xã. Điều quan tâm sau chuyến đi, những “học trò đất nghèo" đã mang về được cho nông dân xã Bá Xuyên mô hình trồng bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Đặng Văn Sĩ, xóm Chùa, một trong những nông dân tích cực khi tham gia mô hình trồng bí xanh cho biết: Ngày 26/2/2009, nông dân chúng tôi bắt đầu đặt cây bí giống xuống đồng đất này, sau 3 tháng chăm bẵm được thu hoạch, sản lượng bí đạt hơn 1 tấn/sào, bán tại ruộng được gần 3.000 đồng/kg, đạt hơn 3 triệu đồng/sào/vụ.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Quy nói như tâm sự: Hôm về Xã Tiền Phong chúng tôi được bà con ở đó đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho đi thăm quan đồng ruộng. Trong 1 ngày chúng tôi đã đến các mô hình trồng hoa tươi, hành tây, mướp đắng, ớt và bí xanh... nhìn mô hình nào cũng đẹp, cũng hiệu quả kinh tế. Hôm đó cũng là buổi nông dân xã Tiền Phong thu hoạch bí xanh, không khí vui như ngày mùa. Chứng kiến cảnh ấy chúng tôi hiểu hơn về "cơ sự nghèo" của mình, mà nguyên nhân cơ bản không phải do thiếu đất, thiếu vốn, thiếu sức lao động, mà do người dân sản xuất mạnh mún, chưa tìm được một loại cây trồng phù hợp với đồng đất quê mình. Và chúng tôi quyết định chọn bí xanh vì đó là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư thấp và là loại thực phẩm dễ tiêu thụ...
Điều đáng nói là xã Bá Xuyên, vùng đất được coi là điểm nối giữa T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên, điều kiện giao thông thuận lợi, song Bá Xuyên vẫn được là một trong những xã, phường khó khăn của thị xã. Hiện 12 xóm của xã có hơn 900 hộ, 4.000 nhân khẩu, 100% số hộ làm nông nghiệp, trong đó có 109 hộ nghèo, chiếm 12%. Trong những năm qua người dân xã Bá Xuyên đã nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong 3 năm (2006 -2008) nông dân của xã được tham gia khoảng gần 10 lớp học nghề mây tre đan; may công nghiệp… song nhiều mô hình, dự án và các lớp đào tạo giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề chưa thật sự có hiệu quả kinh tế. Ông Quy cho hay: Tiếc là vụ trồng bí vừa rồi, lúc dây bí ra quả lại gặp mưa dài ngày làm ngập úng trên diện rông, nên đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất. Vì thế mỗi héc ta bí xanh chỉ đạt 27 tấn, giảm hơn 30% năng suất so với dự kiến. Nhưng so với cấy lúa, sản lượng bí xanh đạt ở mức này vẫn trồng cho giá trị kinh tế cao hơn gấp 4 lần…
Để cây bí về được với đồng đất Bá Xuyên, ông Quy đã cùng một số cán bộ phụ trách tổ chức đoàn thể của xã đi thăm đồng, chọn lựa đất, vận động những hộ dân có kinh nghiệm sản xuất tại 4 xóm: Chùa, La Chùa, Bãi Hát và Xứ Đào tham gia trồng bí. Song “chưa dám” chắc chắn, chính quyền địa phương giới hạn cho 43 hộ tham gia trồng bí xanh, mỗi hộ chỉ được trồng 1 đến hơn 1 sào bí. Cây giống do cán bộ khuyến nông xã về “đất bí” Tiền Phong mua, chuyển về giao cho hộ nông dân, còn UBND xã trích thêm 5 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm chi của xã để hỗ trợ cây giống cho các hộ tham gia. Đồng thời xã còn mời 2 nông dân có kinh nghiệm trồng bí ở xã Tiền Phong lên hướng dẫn cách làm. Vậy là từ cuối tháng 2 cho đến trung tuần tháng 5-2009, những lớp học được tổ chức ngay ngoài đồng, cả thầy dạy và học trò đều là nông dân. Bằng cách truyền đạt trực tiếp, nên nông dân Bá Xuyên nhanh chóng tiếp cận được đầy đủ quy trình trồng bí xanh, kể từ khâu làm đất, lên luống, đặt bầu, chăm bón, làm giàn, tỉa ánh... phòng trừ sâu bệnh đến cách thu hoạch, bảo quản sản phẩm.
Khi bí lên xanh đồng, khoe quả cũng là lúc nông dân đến “gõ cửa” các đồng chí cán bộ lãnh đạo xã, hỏi: Bí bán ở đâu? Chủ tịch UBND xã Đồng Quang Vinh trấn an: Tôi mua hết... Là nói thế để nông dân yên tâm, thực bụng ông Vinh cũng thấy “bí cái đầu ra cho quả bí” lắm... Tranh thủ cuối giờ làm việc mỗi ngày, ông Vinh cùng một số anh chị em cán bộ trong xã, mỗi người mang theo một quả bí, chia ngả tìm đến các bếp ăn tập thể của những đơn vị sản xuất, kinh doanh, các trường học, bệnh viện… ở T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công… tiếp thị. Trước sự nhiệt tình ấy, nhiều bếp ăn tập thể đã “gật đầu” nhập bí của Bá Xuyên, nhưng chỉ trả với giá hơn 2.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá bán ngoài thị trường. Không để người nông dân bị thiệt thòi, ông Vinh, ông Bể và ông Quy đã thống nhất phương án giao bán hàng thông qua đầu mối dịch vụ tiêu thụ bí xanh từ Tiền Phong, nơi cung ứng giống cho nông dân. Phương án tiêu thụ sản phẩm đã khả thi, các đầu mối dịch vụ thực phẩm từ Hà Nội sau khi xem mẫu, khảo giá với nông dân Bá Xuyên còn có nguyện vọng hợp tác lâu dài về thu mua bí xanh. Rồi... ngày thu hoạch, trên cánh đồng của xã Bá Xuyên tấp nập người, xe cùng tiếng í ới của nông dân giục gọi nhau gánh vác, tập kết những sọt bí giao bán cho người làm dịch vụ. Không ít hộ đã đạt thu nhập khoảng 5 triệu đồng/sào/vụ như gia đình bà Đỗ Thị Xưa, xóm La Chùa... Ông Đặng Văn Phúc, xóm La Chùa cho biết: Tôi trồng thử 1 sào bí xanh, theo hướng dẫn kỹ thuật của “chuyên gia” xã Tiền Phong, tôi trồng theo mật độ hơn 1.000 cây giống/sào, chăm bón hết gần 1 tấn phân chuồng, 10 kg đạm urê, hơn 20 kg supe lân, tổng đầu tư cho cả vụ hết hơn 1 triệu đồng cho cây giống, phân bón thuốc bảo vệ thực vật... Do chăm sóc đúng quy trình, trừ đầu tư chi phí tôi còn có lãi hơn 3 triệu đồng.
Nỗi lo đầu ra cho quả bí xanh không còn là gánh nặng với Bá Xuyên. Đầu tháng 7 này lại bắt đầu cho một vụ tra hạt mới, theo kế hoạch: Vụ này xã Bá Xuyên sẽ triển khai trồng bí xanh trên diện tích 3 ha. Bí thư Đảng uỷ Đồng Ngọc Bể thở phào: Đây là kết quả thực hành tiết kiệm của Đảng ủy, HĐND, UBND xã theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc thực hành tiết kiệm hết sức đơn giản như: Tắt điện khi ra khỏi phòng làm việc; văn bản in trên 2 mặt giấy; giảm hội họp, giảm liên hoan khi thấy không cần thiết và chỉ chi cho công việc thật sự cần. Qua phong trào “thực hành tiết kiệm” này, trong thời gian từ năm 2008 đến hết quý I/2009, xã có “dư dật” được hơn 24 triệu đồng, toàn bộ số tiền này được chi phí đầu tư cho nông dân thực hiện mô hình trồng bí xanh. Rất mừng mô hình đầu tiên do cán bộ xã tự đi tìm, tự triển khai đã đạt được kết quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có sự ủng hộ, hỗ trợ động viên của các cơ quan, đơn vị chức năng Thị xã, nên khi về thăm Bá Xuyên, Bí thư Thị uỷ Sông Công, đồng chí Trần Xuân Hựu đã rất tâm đắc với xã về việc thực hành tiết kiệm chi, rồi lại dùng tiền tiết kiệm chi để “mời thầy, thợ” về dạy dân làm giàu.
Thiết nghĩ, đây là một việc làm đáng trân trọng, cần được biểu dương, nhất là khi phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được các cấp, ngành và toàn dân hưởng ứng.