Tín hiệu khả quan trong xuất khẩu chè

09:38, 26/07/2009

Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã có tác động mạnh mẽ đến tỷ trọng xuất khẩu của nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng chè. Tuy nhiên, mặc dù đạt mức tăng trưởng chưa cao, song mặt hàng này đang tìm được cơ hội lớn trong khó khăn hiện nay.

 

Cơ hội phát triển trong khó khăn

 

Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2009 xuất khẩu chè cả nước ước đạt 50 triệu USD tăng hơn 17% về lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ. Như vậy, trong thời điểm khó khăn hiện nay nhiều mặt hàng đều có mức tăng trưởng âm, thì chè là mặt hàng duy nhất có mức tăng trưởng dương. Nguyên nhân chính giúp ngành chè đứng vững trong tình hình kinh tế khó khăn đó là do xu hướng của người tiêu dừng chuyển từ những đồ uống như cà phê, nước trái cây sang các loại đồ uống phổ thông hơn như chè và rẻ tiền hơn.

 

Hiện, giá chè trong nước và giá chè xuất khẩu đang giữ ở mức tăng ổn định và được dự báo sẽ tăng. Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá chè xuất khẩu trung bình của Việt Nam năm 2009 sẽ đạt mức 1.581 USD/tấn, tăng 3,2% so với năm 2008.

 

Đặc biệt, sản phẩm chè của Việt Nam đã có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu sản phẩm chè của Việt Nam phải kể tới như: Pakistan, Nga, Đài Loan, Trung Quốc, Afganistan.

 

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, với mức tăng trưởng ổn định như hiện nay, dự kiến trong năm 2009, ngành chè Việt Nam sẽ xuất khẩu 117 ngàn tấn, với kim ngạch phấn đấu đạt khoảng 167 triệu USD (tăng 13,6% so với năm 2008).

 

Nỗ lực để hoàn thành mục tiêu

 

Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 35 tỉnh trồng chè, chiếm tổng diện tích hơn 131.500 ha và bình quân năng suất đạt 6,5 tấn búp tươi/ha, cung cấp nguyên liệu cho khoảng 700 cơ sở sản xuất chè khô. Với mục tiêu sẽ xuất khẩu 117 ngàn tấn trong năm 2009, hiện ngành chè đang nỗ lực tăng tốc để hoàn thành mục tiêu này.

 

Cụ thể, đối với thị trường tiêu thụ, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững những thị trường truyền thống, ngành chè đang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thêm qua các thị trường mới như: Đức, Hà Lan, Ba Lan, Ả Rập Xê út... cũng như sớm khôi phục lại thị trường Irắc. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, địa phương cũng như Hiệp hội nhằm đưa ra hướng đột phá nâng cao chất lượng chè Việt Nam và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, ngành chè đang nỗ lực tăng cường đổi mới dây chuyền và công nghệ chế biến bảo đảm chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng .

 

Cũng theo Hiệp hội Chè Việt Nam, nhằm chủ động tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, hiện nay, Hiệp hội đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng sàn giao dịch chè, hoàn tất dự án xây dựng Trung tâm giao dịch và Bảo tàng Chè Việt Nam tại Hà Nội. Nhằm thêm cơ hội quảng bá thương hiệu cho sản phẩm chè, Việt Nam cũng sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Chè quốc tế năm 2009.