Tràng Xá giảm nghèo

09:41, 06/07/2009

Năm 2005 xã Tràng Xá, Võ Nhai còn gần 1.000 hộ nghèo, bằng 54,4%. Nhưng đến nay (2009) trong xã chỉ còn 525 hộ nghèo, bằng 28,78%.

 

Năm 2005, gia đình ông Bùi Huy Hảo, xóm Tân Thành, xã Tràng Xá (Võ Nhai) được hỗ trợ 3 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Bằng số tiền này và tiền tích lũy của gia đình, ông Hảo mua được đôi bò sinh sản về nuôi. Đến cuối năm 2008 đàn bò của gia đình ông đã phát triển được gần 10 con. Để ổn định cuộc sống lâu dài, ông Hảo đã bán toàn bộ đàn bò để mua thêm ruộng đất, trong đó có 0,8 ha chè cành. Cũng từ chăn nuôi bò sinh sản, gia đình ông đã có tiền xây dựng được 1 ngôi nhà mới trị giá 60 triệu đồng. Ông vui vẻ nói với mọi người: Tháng 8 này, 5 thành viên trong gia đình tôi sẽ không còn phải ở trong ngôi nhà tạm.

 

Gia đình ông Hảo là một trong 240 hộ, 1.029 nhân khẩu của xã Tràng Xá được công nhận thoát nghèo kể từ năm 2005 đến nay. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Phơi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tràng Xá có 1.800 hộ, trên 7.600 nhân khẩu, 100% dân số sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nhưng đất sản xuất ít, chỉ có 187 ha đất lúa; 850 ha đất ngô; 76 ha đất chè và một số diện tích đất đồi bãi trồng đậu tương, mía, sắn... Năm 2005 trong xã còn gần 1.000 hộ nghèo, bằng 54,4%. Nhưng đến nay (2009) trong xã chỉ còn 525 hộ nghèo, bằng 28,78%.

 

Để giảm được số hộ nghèo nhanh như vậy, từ năm 2005 Ban Chỉ đạo xoá đói giảm nghèo của xã được kiện toàn lại, đồng thời giao cho Hội LHPN, Cựu chiến binh, Hội Nông dân... trực tiếp phụ trách hộ nghèo, có kế hoạch giúp đỡ xóa nghèo như hướng dẫn cho hộ nghèo cách đầu tư vốn phát triển kinh tế gia đình; cách thiết kế vườn bãi hợp lý... Với hộ thiếu sức lao động được bà con chòm xóm đến giúp đỡ cầy, cấy và thu hoạch mùa vụ. Nhận xét về phong trào này, ông Lương Đại Dương, xóm Lò Gạch cho biết: Thông qua hoạt động của Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể của xã, người dân chúng tôi có điều kiện gần gũi, giúp đỡ nhau hơn. Ngay như gia đình tôi, với 6 sào ruộng thì khi huy động bà con làm giúp, chỉ cấy hoặc thu hoạch trong 1 ngày là xong.

 

Cũng như ở nhiều địa phương khác, tại Tràng Xá các hộ nghèo chủ yếu đều vì nguyên nhân đông con, đất sản xuất ít, thiếu vốn đầu tư và trong nhà có người ốm đau thường xuyên. Bà Chu Thị Nụ, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Để giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, Hội tạo điều kiện cho chị em được tiếp cận với kiến thức sản xuất mới trong trồng trọt, chăn nuôi; tạo điều kiện vay vốn tín chấp để đầu tư vào sản xuất nông lâm nghiệp… Vì thế trong 3 năm gần đây, Hội LHPN xã đã giúp đỡ được hơn 100 gia đình hội viên thoát nghèo.

 

Trong sản xuất, các cánh đồng của các xóm Làng Đèn, Lò Gạch, Đồng Tác, Đồng Mỏ và Cầu Nhọn đã chủ động được nước tưới nhờ hệ thống kênh mương Suối Bùn... Đặc biệt trong 3 năm gần đây (2006-2008), mỗi năm Nhà nước hỗ trợ cho nhân dân của xã  200 triệu đồng để mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ này bà con đã mua được 5 máy cày mi ni, 8 máy bơm D 20, 58 máy bơm điện nhỏ, 24 máy tôn quay vò chè, 18 máy tẽ ngô phục vụ sản xuất và trồng được 8,5 ha chè cành, 14 ha rừng... Chủ tịch UBND xã Lê Mạnh Hùng cho biết thêm: Để phát huy được nội lực trong nhân dân, Tràng Xá đã tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trạm Khuyến nông huyện mỗi năm mở được khoảng 40 lớp tập huấn chuyển giao KHKT sản xuất cho hơn 350 lượt người, nhờ vậy nhân dân tin tưởng, mạnh dạn đưa 100% diện tích đất ruộng vào gieo cấy lúa, trồng ngô giống mới, qua đó đã nâng được năng suất lúa từ 32 tạ/ha năm 2005 lên 45 tạ/ha hiện nay; ngô tăng từ 20 tạ/ha năm 2005 lên 45 tạ/ha hiện nay. Không chỉ giải quyết đủ lương thực tại chỗ, Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm nhân dân xã Tràng Xá đã xuất bán ra thị trường được khoảng 300 tấn ngô hạt/năm và khoảng gần 100 tấn lợn thịt hơi... Không chỉ độc canh cây lúa, nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư vốn trồng rừng kinh tế, điển hình như gia đình bà Chu Thị Dung, xóm Thành Tiến, đã trồng được 15 ha rừng. Những nguồn thu nhập từ sản xuất nông lâm nghiệp đã từng bước giúp nhìeu hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế gia đình trên chính đồng đất của một vùng quê cách mạng.