Tức Tranh phát triển vùng chè đặc sản

09:55, 07/07/2009

Nhắc đến xã Tức Tranh (Phú Lương) là mọi người nhớ đến một vùng chè nổi tiếng với chè Khe Cốc ngon vào loại "nhất, nhì" huyện. Gần đây, Tức Tranh còn được tỉnh công nhận có Làng nghề trồng và chế biến chè Thác Dài. Đây không chỉ là niềm vui của địa phương mà còn đòi hỏi Tức Tranh phải quan tâm phát triển vùng chè này cho xứng với tiềm năng hiện có.

 

Những năm gần đây, thực hiện Đề án sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè của huyện Phú Lương, xã Tức Tranh đặc biệt quan tâm đến việc cải tạo và trồng mới chè bằng các giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả như LDP1, TRI777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên… Để thực hiện Đề án có hiệu quả, hàng năm, Đảng ủy - HĐND - UBND xã Tức Tranh đều có Nghị quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, theo đó, các diện tích đất lúa một vụ hiệu quả kinh tế thấp được chuyển sang trồng chè cành cho năng suất, chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, chính quyền địa phương chỉ đạo người dân tiến hành chuyển đổi, cải tạo những diện tích chè cũ đã xuống cấp sang trồng chè cành.

 

Từ năm 2005 đến nay, xã Tức Tranh đã chuyển đổi 15 ha chè trung du sang trồng chè cành, trung bình mỗi năm nhân dân chuyển đổi khoảng 5 ha. Không những vậy, chính quyền địa phương còn quan tâm, khuyến khích các hộ dân đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Để tạo điều kiện cho người dân có vốn đầu tư, chính quyền xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cho nông dân vay vốn. Từ  "kênh vay vốn" này, đến nay, tổng dư nợ của 4-5 nghìn lượt hộ dân tại 2 ngân hàng trên lên tới 17 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua các tổ chức đoàn thể, người dân còn được mua phân bón trả chậm để phát triển cây chè với số lượng trung bình từ 500-600 tấn/năm. 6 tháng đầu năm 2009, đã có trên 300 tấn phân bón các loại được cung ứng cho nông dân theo phương thức trả chậm. Thêm nữa, mỗi năm, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức khoảng 60 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân. Sau khi được tập huấn, người nông dân đã từng bước thay đổi tập quán thâm canh, tuân thủ kỹ thuật chăm bón, thu hái và chế biến chè đảm bảo theo quy trình, tạo ra những sản phẩm chè ngon nổi tiếng.

 

Đặc biệt, sau một thời gian xây dựng các làng nghề sản xuất, chế biến chè, tháng 4/2009, xã Tức Tranh mới được tỉnh công nhận Làng nghề trồng và chế biến chè Thác Dài. Năm 2009 này, xã tiếp tục xây dựng thêm 3 làng nghề trồng và chế biến chè nữa gồm các xóm Quyết Thắng, Gốc Gạo, Bãi Bằng. Với những nỗ lực trên, nếu như năm 2005, toàn xã có trên 900 ha chè, trong đó chè kinh doanh 850 ha, năng suất đạt 70 tạ/ha, sản lượng gần 6.500 tấn, tổng giá trị kinh tế đạt 33 tỷ đồng; thì đến năm 2008, xã có 949 ha chè, trong đó, diện tích chè có năng suất, chất lượng cao chiếm 40% trong tổng diện tích chè kinh doanh toàn xã, năng suất đạt trên 90 tạ/ha, sản lượng đạt 8.235 tấn chè búp tươi, tổng giá trị kinh tế đạt 45 tỷ đồng, tăng 36,3% so với năm 2005.

 

Tuy nhiên, theo đồng chí Trịnh Văn Tường, Chủ tịch UBND xã thì: Để Tức Tranh xây dựng vùng chè nổi tiếng, chính quyền các cấp cần quan tâm, đầu tư các công trình thủy lợi vùng đồi giúp người trồng chè chủ động cho việc tưới tiêu. Được biết, 4 năm qua, người trồng chè ở Tức Tranh được hưởng lợi từ 4 công trình thủy lợi đập dâng nước của Nhà nước đầu tư với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng gồm: đập Đồng Lường, đập Minh Hợp, đập Gốc Gạo, đập Tân Thái. Các công trình này đã góp phần tưới tiêu trực tiếp cho 150 ha chè của 250 hộ dân trong xã. Hiện chúng tôi rất cần đầu tư xây dựng thêm 7 đập nước ở các khu Khe Cốc, Đan Khê, Đồng Tâm vì đây là vùng có khả năng phát triển mạnh cây chè trong những năm tới, đặc biệt là sản xuất chè vụ đông.

 

Vào chính vụ, giá chè khô ở địa phương dao động từ 35 đến 80 nghìn đồng/kg, nhưng làm chè đông vào thời điểm cao nhất giá bán có thể lên tới 180 nghìn đồng/kg mà không có chè để bán. Thêm nữa, để thúc đẩy Tức Tranh phát triển vùng chè, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí giúp địa phương cứng hóa các tuyến đường giao thông. Bởi các tuyến đường giao thông này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân mà còn góp phần giao thương hàng hóa, đưa sản phẩm nông sản của địa phương đến được với người tiêu dùng. Trong tổng số 46 km đường liên xã, liên xóm của địa phương thì mới có 10 km được cứng hóa còn lại chủ yếu là đường đất, đường cấp phối.

 

Năm 2003, thực hiện cơ chế đối ứng Nhà nước và nhân dân cùng làm, tuyến đường Tân Khê - Gốc Gạo có chiều dài 2 km đã hoàn thành với tổng giá trị trên 900 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng 40%. Đến năm 2004, khi cơ chế đối ứng này không còn được thực hiện trên địa bàn, nhân dân 4 xóm: Xâm Găng, Quyết Thắng, Quyết Tiến, Đồng Danh đã huy động nội lực làm đường cấp phối với mức đóng góp từ 500 đến 700 nghìn đồng/nhân khẩu. 2 năm qua (2007-2008), xã được đầu tư thêm tuyến đường nhựa Quốc lộ 3 - Phấn Mễ - Tức Tranh cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của nhân dân, chúng tôi đang tiến hành xây dựng tuyến đường từ Cây Thị - Đồng Tâm qua địa bàn 6 xóm: Cây Thị, Gốc Cọ, Gốc Mít, Đồng Lường, Đồng Tâm, Đồng Tiến có chiều dài 5,6 km, tổng kinh phí ước tính khoảng 3,5 tỷ đồng. Công trình dự kiến được thực hiện trong 2 năm 2009-2010, giai đoạn I, cùng với sự hỗ trợ kinh phí 700 triệu đồng của Nhà nước, chúng tôi huy động nhân dân đóng góp khoảng 600 triệu đồng làm trước 2,5 km, trung bình mỗi nhân khẩu đóng 300 nghìn đồng.

 

Hy vọng khi tuyến đường hình thành sẽ mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm chè khô của người dân Tức Tranh.