Bế mạc kỳ họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC

17:13, 27/08/2009

Kỳ họp đã bàn các vấn đề về Tài chính và kinh tế; Tư vấn về hệ thống xây dựng năng lực Tài chính APEC; về Phát triển bền vững; Thuận lợi hóa; Tự do hóa thống nhất.

 

Sáng 27/8, tại Khu nghỉ mát Furama, thành phố Đà Nẵng, bế mạc kỳ họp lần thứ 3 của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (gọi tắt là ABAC).

 

Ông Teng Theng Dar, Chủ tịch ABAC 2009 cho biết, kỳ họp đã thành công tốt đẹp. Gần 200 đại biểu là doanh nhân, lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu trong khu vực, các nhà nghiên cứu và quan chức từ 21 nền kinh tế thành viên APEC đã bàn luận sôi nổi các vấn đề về tự do hoá, thương mại hoá và thuận lợi hoá, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ họp lần thứ 4 tới tại Singapore.

 

Kỳ họp đã đưa ra những khuyến nghị đến lãnh đạo các nền kinh tế APEC những biện pháp tích cực ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ trở lại, triển khai tuyến bố LIMA về tự do hoá, thương mại hoá.

 

Đối với vòng đàm phán Doha, các nền kinh tế đang đẩy mạnh đàm phán để kết thúc vào năm 2010, việc kết thúc vòng đàm phán Doha sẽ tạo điều kiện thuận lợi đối với phát triển kinh tế, đầu tư toàn cầu và chống chủ nghĩa bảo hộ.

 

Kỳ họp ABAC lần thứ 3 khuyến nghị đã đến lúc các nền kinh tế APEC xúc tiến triển khai khu vực mậu dịch tự do khu vực châu Á -Thái Bình Dương, việc đẩy mạnh triển khai thực hiện khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương không những tạo điều kiện tự do thương mại mà còn đảm bảo rằng không có nền kinh tế nào bị bỏ rơi và phải đi sau trong sự phát triển kinh tế trong khu vực.

 

Kỳ họp còn thảo luận, khuyến nghị những vấn đề mà các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Khu vực châu Á- Thái Bình Dương (APEC) rất quan tâm đó là vấn đề an ninh lương thực, về sự phát triển bền vững, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng của thay đổi cơ cấu dân số thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ...

 

Chủ tịch ABAC 2009 Teng Theng Dar nhấn mạnh: Trong ABAC chúng ta hợp tác cùng nhau, cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta có internet, có cơ sở hậu cần, bởi vậy bất cứ doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng là doanh nghiệp của khu vực.

 

Tại kỳ họp thường niên lần thứ 3, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC- ABAC tiếp tục bàn thảo, đi đến thống nhất và nêu các khuyến nghị để thuận lợi hóa các vấn đề kinh doanh trong khu vực. Về việc hình thành Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương, các thành viên ABAC khuyến nghị các nhà lãnh đạo APEC nên bắt đầu bằng những hành động cụ thể,  đưa ra những mô hình cụ thể, thứ 2 là quy trình đàm phán như thế nào, hy vọng đến năm 2010 có thể bắt đầu đàm phán.

 

Về vấn đề tự do hoá thương mại, ABAC đưa ra một số khuyến nghị về thay đổi thủ tục hải quan đối với hàng hoá, riêng đối với nền kinh tế Việt Nam đưa ra khuyến nghị đối với thủ tục đầu tư cần minh bạch mà không có sự phân biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC Việt Nam cho biết, APEC có vị trí quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, 60% quan hệ thương mại của Việt Nam là quan hệ với APEC, 80% đầu tư vào Việt Nam từ các nền kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương, việc hợp tác với APEC có vai trò quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhất là về nguồn vốn, công nghệ và thiết bị.

 

Về những kiến nghị mà Hội đồng Tư vấn kinh doanh ABAC Việt Nam đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Văn Dũng cho rằng, tất cả những thay đổi trong APEC đều ảnh hưởng đến Việt Nam. Vấn đề hàng rào bảo hộ của các nước trong khu vực cũng ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, nhất là án đề bảo hộ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Việc đẩy mạnh kết thúc sớm vòng đàm phán Bogo tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Vấn đề quan trọng nữa là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là Việt Nam có 96% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tác động đến vấn đề tạo việc làm, thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.