100% đất sản xuất nông nghiệp được ưu tiên dành cho các dự án, người dân phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) đã nhanh chóng chuyển đổi ngành nghề sang hoạt động dịch vụ, chế biến lương thực, sản xuất đồ gỗ, cơ khí… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2007, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) có trên 13ha đất sản xuất nông nghiệp với 146 hộ dân sống bằng nghề nông. Mấy năm gần đây, liên tục có các dự án được đưa vào địa phương khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, phường đã triển khai các dự án: Khu dân cư số 1, đường Bắc Sơn, đường Minh Cầu kéo dài (đoạn nối đường Bắc Sơn). Các dự án này có tổng diện tích đất quy hoạch gần 100ha, trong đó có 8,2ha đất nông nghiệp. Ngày 5/8/2009, UBND phường tiếp tục công bố quy hoạch chi tiết dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Thành phố và khu dân cư số 2 với tổng diện tích 60,7ha, trong đó có 5,3ha đất nông nghiệp, đây là toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện có của phường. Nhận thức được sự cần thiết phải chuyển đổi ngành nghề, các hộ dân trước đây vẫn sống dựa vào nghề nông đã phải tìm cho mình một hướng đi mới.
Gia đình bà Bùi Thị Tịnh, ở tổ 11 trước đây vẫn sống bằng nghề nông với 6 sào ruộng và gần 1 sào chè. Mỗi năm, gia đình bà cấy 2 vụ lúa, chăm sóc mấy luống chè, vất vả mãi mà vẫn không bỏ được "cái mác" hộ nghèo. Năm 2007, nghe thông tin Nhà nước sẽ lấy đất nhà bà để xây hồ, bà liền đến các cơ sở làm bánh tráng trong phường để học nghề. Thấy nghề này đầu tư không lớn, đầu ra lại ổn định, nên đầu năm 2008, bà quyết định đầu tư 15 triệu đồng để mua máy tráng bánh đa nem. Mỗi ngày gia đình bà sản xuất 6.000 chiếc, mùa đông có thể làm được 1 vạn chiếc, cung cấp cho thị trường Thành phố. Nhà chỉ có 4 lao động, bà phải thuê thêm 2 lao động nữa, lúc cao điểm thuê thêm 5 lao động với mức thu nhập gần 2 triệu đồng/người/tháng. Chỉ trong vòng 1 năm chuyển sang nghề làm bánh tráng, cuộc sống gia đình bà Tịnh đã trở nên sung túc, bà đã mua thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất, xây dựng thêm nhà xưởng với tổng kinh phí đầu tư trên 50 triệu đồng.
Cũng tìm hướng chuyển đổi ngành nghề, nhưng ông Dương Minh Tuân, tổ 12 lại chọn nghề kinh doanh gas. Ông Tuân cho biết: Gia đình tôi có trên 4 sào ruộng, trước đây cấy lúa 2 vụ, chăn thêm con lợn, con gà, thu nhập mỗi năm chỉ gần chục triệu đồng. Năm 2008, phường công bố quy hoạch chi tiết Dự án xây dựng khu dân cư số 1. Theo đó, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình đều nằm trong diện quy hoạch. Thấy cần thiết phải chuyển đổi ngành nghề để ổn định cuộc sống nên ngay sau đó, tôi đến nhà một số anh em làm nghề kinh doanh gas ở Hà Nội để học. Đầu năm 2008, tôi về mở một cửa hàng nho nhỏ. Sau vài tháng thấy có thể phát triển được nên tôi tiếp tục mở rộng thêm quy mô cửa hàng, thuê thêm 3 nhân công với mức lương 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, kinh tế gia đình đã vững vàng hơn, thu nhập mỗi năm khoảng 30 triệu đồng…
Ông Ngô Danh Thùy, Chủ tịch UBND phường cho biết: Năm 2007, phường Hoàng Văn Thụ có 146/3.200 hộ trực tiếp làm nông nghiệp. Đến nay, 100% số hộ này đã chuyển từ cấy lúa, trồng màu sang các mô hình kinh tế khác. Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi, UBND phường đã đề nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn ưu tiên nhận lao động là con em các hộ nông dân bị thu hồi đất. Nhờ đó, đã giải quyết việc làm cho trên 20 lao động. Ngoài ra, Hội nông dân phường đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho nông dân vay vốn với tổng số dư nợ đến nay là trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội cũng vận động các hội viên nông dân đóng góp quỹ hỗ trợ nông dân được trên 10 triệu đồng cho 6 hộ vay. Qua đó đã tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi bớt khó khăn về vốn, kỹ thuật…
Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền và các đoàn thể địa phương, các hộ dân không những không gặp khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề mà còn đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế gia đình. Từ đó kinh tế địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2009, toàn phường còn 34 hộ nghèo, giảm 20 hộ so với năm 2008.