Đại Từ tiến tới sản xuất hàng hóa

08:53, 29/08/2009

Với mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, Đại Từ đang từng bước hình thành những vùng chuyên canh, tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở phát huy các thế mạnh của địa phương.

 

Với trên 12.500 ha lúa hai vụ, huyện đã chỉ đạo người dân tích cực thâm canh, đưa những giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Đặc biệt, đối với những chân ruộng chủ động được nguồn nước như Cù Vân, Ký Phú, An Khánh, Vạn Thọ… người dân còn mạnh dạn đưa các loại giống lúa mới như: Siêu Khang dân 18; TH3-3; VL20; Bồi tạp 49; Bồi tạp Sơn Thanh... vào sản xuất thử và nhân rộng.

 

Để tiết kiệm chi phí, giảm ngày công lao động, tăng hiệu quả sản xuất, huyện khuyến cáo người dân đưa các phương tiện cơ giới hóa vào đồng ruộng từ khâu làm đất đến gieo sạ, gặt lúa… Trên đồng ruộng, đội ngũ cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn, chuyển giao những kiến thức về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại giúp bà con yên tâm sản xuất. Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân của Đại Từ tăng từ 48 tạ/ha (năm 2003) lên 51 tạ/ha (năm 2008); sản lượng lương thực của toàn huyện năm sau cao hơn năm trước. Cùng với đó, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại rau màu vào sản xuất như: lạc, đỗ, cà chua, bí đỏ hoặc trồng củ đậu, dưa hấu cho năng suất và giá trị cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, hàng năm, Đại Từ trích một phần kinh phí chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng các chương trình, ô mẫu trồng rau, màu để từ đó nhân rộng đưa vào trong sản xuất nông nghiệp…

 

Cùng với cây lúa, Đại Từ chú trọng quy hoạch vùng chè, tập trung ở các xã: Quân Chu, Cát Nê, Mỹ Yên, Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên, Phú Cường, Tân Linh, Phục Linh, thị trấn Quân Chu … ----ở những địa phương này, người dân đã mạnh dạn đưa các giống chè mới có chất lượng và năng suất cao như: TRI 777, 1A, LDP1, Bát Tiên, Kim Tuyên, Keo Am Tích, Phúc Vân Tiên, Hùng Đinh Bạch... thay thế dần cho cây chè trung du lá nhỏ. Đến nay toàn huyện có 5.098 ha chè, trong đó 4.743 ha chè kinh doanh, năng suất bình quân đạt 76 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi thu hoạch đạt trên 43 nghìn tấn/năm.

 

Những năm gần đây, nhiều vùng trong huyện đã sản xuất được sản phẩm chè đặc sản thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài tỉnh như chè La Bằng, Hoàng Nông, Hùng Sơn, Tân Linh. Để thúc đẩy phát triển cây chè, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đã có một số cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích nông dân đầu tư phát triển cây chè như khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất đồi, bãi, chính sách vay vốn ưu đãi, chính sách trợ giá đối với giống chè mới, chính sách khuyến nông để đưa tiến bộ kỹ thuật mới chuyển giao đến hộ nông dân và được áp dụng vào sản xuất kinh doanh, chế biến đạt hiệu quả cao... Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các lĩnh vực để phát triển cây chè như: Đầu tư sản xuất giống chè có năng suất, chất lượng cao; xây dựng các nhà, xưởng chế biến chè; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện lưới, khu chợ đầu mối ở các xã, cụm xã; đầu tư các hồ, đập, bể chứa nước để phục vụ cho sản xuất chè vụ đông.

 

Đối với những xã nằm ở phía Đông Nam của dãy núi Tam Đảo, khu vực quanh núi Chúa, núi Hồng, những diện tích đất đồi trống … huyện quy hoạch phát triển trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế như keo lai, mỡ… Hàng năm, giá trị kinh tế thu từ trồng rừng lên tới hàng chục tỷ đồng thu hút được nhiều lao động trực tiếp từ trồng rừng, lao động gián tiếp cho khâu chế biến sản xuất đồ gỗ, góp phần xoá đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi…

 

Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng các vùng quy hoạch tiến tới phát triển sản xuất hàng hóa, chính quyền địa phương sẽ sớm hoàn thiện và công khai hoá các vùng sản xuất cây, con chủ lực. Cùng với đó, huyện tập trung hỗ trợ các chương trình đưa những giống cây, con mới vào sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại vào chuyển dịch cơ cấu sản xuất tập trung; tăng nguồn vốn đầu tư ưu đãi để thực hiện xây dựng các công trình thuỷ lợi, hồ đập phục vụ trực tiếp cho sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng quy hoạch; phát triển hệ thống dịch vụ sản xuất nông nghiệp; chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè, chăn nuôi…