Đồng Hỷ ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt

08:50, 27/08/2009

Bên cánh đồng ngô xanh tốt của gia đình mình, bà Ngô Thị Liên ở xóm bến Đò, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) vừa nhanh tay dọn cỏ, vừa nói với chúng tôi: Vụ này, trên diện tích 3 sào ruộng, gia đình tôi không trồng rau màu mà trồng ngô để lấy thức ăn phục vụ chăn nuôi. Qua trò chuyện chúng tôi được biết 4, 5 năm trước, gia đình bà Liên có trồng ngô nhưng do trồng giống ngô địa phương, năng suất thấp chỉ đạt khoảng 80kg/sào nên hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế gia đình bà đã chuyển từ trồng ngô sang làm rau màu.

 

2 năm nay, được cán bộ khuyến nông xã tuyên truyền, vận động trồng ngô giống mới cho năng suất cao như NK4300, CP999… nên gia đình bà lại quay trở lại trồng ngô. Năm ngoái, mỗi sào ngô của gia đình cho thu 150kg/sào. Theo bà Liên, trồng rau màu phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ nên có năm rau được mùa thì "rớt" giá, có năm rau mất mùa lại được giá. Yếu tố này khiến cho việc  tính toán, phát triển kinh tế của người trồng rau gặp nhiều khó khăn. Còn riêng với cây ngô, ngoài phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình còn có thể bảo quan được lâu dài, khi cần tiền hoặc khi ngô được giá thì mới xuất bán.

 

Việc nhiều hộ dân ở Đồng Hỷ chuyển đổi từ cây trồng khác hoặc từ giống ngô  địa phương sang trồng thay thế bằng giống ngô lai cho năng suất và thu nhập cao là kết quả của chương trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của huyện mà cụ thể là trong lĩnh vực trồng trọt. Trong đó, việc chuyển giao các giống ngô năng suất cao, chất lượng tốt thay thế giống ngô địa phương như: NK 4300, CP999, CP888, LVN4… đã đưa diện tích ngô của huyện tăng cao. Mấy năm trở lại đây, diện tích ngô lai chiếm 95% diện tích trồng ngô của huyện, trong khi năm 1998 mới chỉ chiếm 30%. Theo đó, nhiều giống cây mới cho hiệu quả kinh tế cao, năng suất tăng 10-15% so với giống cũ như lạc L14, L18, MD7… cũng được huyện khuyến khích người dân đưa vào gieo trồng trong các mùa vụ thích hợp.

 

Bên cạnh đó, Đồng Hỷ còn có các chương trình đạt được kết quả tốt từ việc ứng dụng khoa học, công nghệ như: Cải tạo và thâm canh chè, đưa cây chè trở thành cây thế mạnh của huyện. Hiện, huyện có trên 2.100ha chè, trong đó có hơn 1.980ha chè kinh doanh. Để nâng cao năng suất, chất lượng chè, các loại giống chè cành như LDP1, Bát Tiên, TRI 777… đã được đưa vào trồng thay thế dần giống chè trung du năng suất thấp. Việc chuyển giao công nghệ sản xuất rau an toàn tại xã Linh Sơn cũng được người dân hưởng ứng. Đặc biệt, một số ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng được người dân áp dụng như IPM trên cây lúa, cây chè góp phần làm giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; công nghệ gieo mạ khay - ném thay cấy giúp giảm công lao động, giảm chi phí và chủ động hơn trong khâu sản xuất giống, diện tích hiện gieo mạ khay - ném đạt 30% tổng diện tích gieo trồng của huyện (riêng vụ xuân vừa qua đạt trên 50%).

 

Ngoài một số chương trình, dự án  trên, hiện, Đồng Hỷ còn thực hiện Dự án Nâng cao chất lượng sản xuất chế biến chè xanh theo hướng an toàn, quy mô 5ha tại địa bàn xã Minh Lập với 40 hộ dân tham gia, được thực hiện từ tháng 10 năm ngoái và sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay. Các hộ dân tham gia Dự án  được hỗ trợ 10 bộ tôn quay inox. Những hộ tham gia Dự án này đã thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc chè và các quy định của Dự án về cải tạo nhà xưởng. Để Dự án thành công, huyện đã phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và cải tạo nhà xưởng chế biến chè, đồng thời sẽ tiến hành phân tích mẫu chè khô nhằm đảm bảo chất lượng. Mục đích của Dự án là giúp người dân tiếp cận với quy trình làm chè sạch, an toàn để nâng cao chất lượng chè thành phẩm…

 

Theo đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào trồng trọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, bởi vậy trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện một số chương trình, dự án như: Nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao; Nâng cao năng lực sản xuất hoa ly, hoa lan cao cấp… Tuy nhiên, để thực hiện thành công các dự án này, huyện rất mong nhận được sự tạo điều kiện của Sở Khoa học, Công nghệ; các cấp, ngành có liên quan.