Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tăng 0,43%

09:28, 31/08/2009

Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam tính đến ngày 27/8/2009 là 397.748,08 tỷ đồng. Theo Ngân hàng Nhà nước, con số trên tăng  1.697,35 tỷ đồng, tương đương 0,43%. so với một tuần trước đó.

 

Tính theo nhóm tổ chức tín dụng, nhóm NHTM nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương cho vay nhiều nhất với mức dư nợ là 273.986,71 tỷ đồng, tăng 323,43 tỷ đồng (tương đương tăng 0,12%). Tiếp đến là nhóm NHTMCP: 97.970,82 tỷ đồng, tăng 824,93 tỷ đồng (tương đương tăng 0,85%). Nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài có mức dư nợ 20.870,66 tỷ đồng, tăng 582,31 tỷ đồng (tương đương tăng 2,87%). Công ty tài chính là 4.919,89 tỷ đồng, giảm 33,329 tỷ đồng (tương đương giảm 0,67%).

 

Phân theo đối tượng khách hàng vay vốn, doanh nghiệp nhà nước vay 62.614,9 tỷ đồng. Doanh nghiệp ngoài nhà nước (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài …) vay 264.569,88 tỷ đồng, số còn lại là hộ sản xuất vay.

 

Trong tuần, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với báo Sài gòn Giải phóng-Đầu tư tài chính và Tỉnh ủy-UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo với chủ đề “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm”.

 

Tại đây, nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình hỗ trợ lãi suất đã phát huy tích cực đối với nền kinh tế. Hỗ trợ lãi suất là cách làm chưa có tiền lệ ở Việt Nam, cũng như trên thế giới. Nhưng qua thực tế triển khai đã chứng minh đây là một chủ trương đúng đắn, là cách làm kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng bởi các diễn biến khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới. Đến nay Việt Nam đã vượt được qua “đáy” của suy giảm.

 

Phát biểu tại hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong thời gian tới, đà tăng trưởng được duy trì nhưng lạm phát có sức ép tăng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục áp dụng mô hình kiểm soát khối lượng tiền là chủ yếu, kết hợp với kiểm soát giá cả tiền tệ; điều hành các công cụ chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30% và giảm dần trong những năm tiếp theo, đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống…