Đưa hàng về nông thôn

11:54, 24/08/2009

Thị trường nông thôn của tỉnh với hơn 75% dân số, từ trước đến nay chưa được các doanh nghiệp quan tâm đến, thậm chí còn bị lãng quên. Chỉ đến khi nhiều mặt hàng "cháy hàng" sau vài giờ chào bán ở 4 phiên chợ kích cầu tiêu dùng vùng cao diễn ra từ ngày 9 đến 16/8, thì 11 doanh nghiệp tham gia các phiên chợ mới chợt nhận ra một thị trường tiềm năng đang còn bỏ ngỏ.

 

4 phiên chợ kích cầu tiêu dùng vùng cao do Trung tâm xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương Thái Nguyên) phối hợp với 11 doanh nghiệp tổ chức ở xã Ôn Lương (Phú Lương), xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), xã Quy Kỳ (Định Hóa), xã Tràng Xá (Võ Nhai), với chủ đề “Bán hàng sản xuất trong nước, giảm giá – khuyến mại phục vụ nhân dân vùng cao” đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của người dân. Được biết có phiên chợ kích cầu bán hàng Việt Nam chất lượng cao, giảm giá từ 15 đến 30% tùy mặt hàng, gần 10 nghìn lượt người dân đã tham gia phiên chợ. Người dân hồ hởi đến từ sáng sớm, có người vượt hàng chục km đường để đến tham quan mua sắm, nhất là phiên chợ tổ chức tại Võ Nhai, trời mưa lớn nhưng người dân vẫn đến rất đông.

 

Qua quan sát của chúng tôi, tại 4 phiên chợ, gian hàng của Công ty Cổ phần phát hành sách Thái Nguyên, Siêu thị Minh Cầu, Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, doanh nghiệp Thành Nguyên… thu hút được rất đông khách đến mua hàng. Anh Nguyễn Đức Hùng, cán bộ kinh doanh của Công ty Phát hành sách Thái Nguyên cho biết: “Sức mua của người dân lớn hơn dự tính của chúng tôi nhiều. Sản phẩm bán chạy nhất của Công ty tôi tại các phiên chợ này là sách giáo khoa, sách kỹ thuật chăn nuôi, đồ dùng học tập…  Chúng tôi muốn nhân cơ hội này để nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng nông thôn, đồng thời mở rộng thị trường tại các xã”. Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc doanh nghiệp Thành Nguyên cho hay: "Các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp do Công ty tự sản xuất như máy sao chè, máy vò chè, máy bơm nước… vẫn còn xa lạ với người dân. Qua phiên chợ, chúng tôi cũng mong muốn nắm bắt được phản ứng của khách hàng với sản phẩm của mình, để từ đó điều chỉnh cho phù hợp đồng thời mở rộng thị trường”.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn khách hàng đến với 4 phiên chợ đều tìm được một loại hàng hoá phù hợp với túi tiền của mình và cảm thấy hài lòng về chất lượng sản phẩm đó. Chị Nguyễn Thị Hằng, xóm Nhâu, xã Liên Minh, Võ Nhai rất vui vì đã mua được 2 chiếc thùng nhựa to nhãn hiệu nhựa Chí Thành để mang về đựng rượu. Chị chia sẻ: Nhiều sản phẩm ở đây chưa từng được bán ở chợ chúng tôi. Qua phiên chợ, tôi biết thêm được các nhãn hiệu hàng Việt Nam, và mua được chúng với giá phù hợp với người dân nông thôn, chất lượng thì chắc chắn sẽ hơn hẳn hàng Trung Quốc.

 

Qua phiên chợ, các doanh nghiệp cũng nắm bắt được những mặt hàng nào người dân cần, quan trọng nhất là hiểu thêm về thị trường nông thôn tỉnh ta hiện tại. Đó là hàng ngoại bán tại chợ nông thôn nhiều, nhưng 80% đến 90% hàng hóa không có tem nhãn, không rõ nguồn gốc. Hàng Việt Nam về nông thôn chủ yếu là hàng điện máy, điện tử, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng lại thích những sản phẩm giá rẻ là may mặc, thực phẩm, đồ gia dụng có xuất xứ trong nước với chất lượng bảo đảm.

 

Ông Đặng Công Hoan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại cho biết, doanh số thu được qua 4 phiên chợ kích cầu vùng cao lần này của 11 doanh nghiệp đạt gần 740 triệu đồng.  Đây cũng là con số Trung tâm dự tính vì mục đích lớn nhất của các phiên chợ là thăm dò nắm bắt nhu cầu tiêu dùng khu vực nông thôn, kích cầu thị trường.

 

Như vậy phiên chợ kích cầu vùng cao đã thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân vùng nông thôn. Vì sau 4 phiên chợ nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được với thị trường nông thôn, gia tăng được doanh số bán hàng. Và người tiêu dùng ở những miền quê được tiếp cận với hàng thật, hàng tin cậy chất lượng và giá rẻ.

 

Với 75% dân số cả tỉnh,  khu vực nông thôn là thị trường rộng với sức mua lớn, là "mảnh đất tốt" cho các doanh nghiệp sản xuất cũng như kinh doanh thương mại của tỉnh tiếp cận và phát triển. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được mảnh đất này là vấn đề không đơn giản. Đây cũng là trăn trở của không ít doanh nghiệp sau những phiên chợ kích cầu vùng cao.

 

Trao đổi với ông Đặng Công Hoan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương Thái Nguyên), đơn vị đứng ra khảo sát và tổ chức các phiên chợ kích cầu vùng cao chúng tôi được biết: Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại và doanh nghiệp sản xuất sau khi tham gia phiên chợ kích cầu đều đang có kế hoạch đẩy mạnh việc tiết kiệm chi phí, cơ cấu lại sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Tìm hiểu thị trường để có thể đưa những sản phẩm phù hợp với người dân địa phương và nâng cao chất lượng của đại lý và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn chính quyền các địa phương và ngành chức năng có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, tiêu thụ hàng nội trên địa bàn.

 

Doanh số bán hàng của các doanh nghiệp đạt cao, đó là  tín hiệu vui, tuy nhiên chúng tôi cho rằng, hiệu quả của phiên chợ hoàn toàn không đơn thuần là doanh nghiệp đạt được doanh số bao nhiêu, lãi bao nhiêu, vấn đề là ở chỗ, sau phiên chợ, doanh nghiệp sẽ xây dựng lực lượng nhà phân phối, nhà bán lẻ ở địa phương như thế nào. Doanh nghiệp xác định được mục tiêu rõ ràng và kiên trì theo đuổi, chiếm lĩnh được thị trường ở nông thôn, đó mới là hiệu quả tốt của những phiên chợ kích cầu vùng cao và lợi ích lâu dài của doanh nghiệp. Khi đó, người tiêu dùng nông thôn cũng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.