Cách đây 10 năm, người nông dân Phú Lương vẫn sử dụng các giống lúa cũ gieo cấy và canh tác theo phương pháp lạc hậu nên năng suất, chất lượng cây trồng thấp. Nhằm từng bước khắc phục tình trạng này, với chức năng, nhiệm của mình, Trạm khuyến nông huyện đã từng bước lựa chọn và xây dựng mô hình thử nghiệm các giống lúa mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân. Từ năm 2004 trở lại đây, Trạm đã đưa gần 10 giống lúa mới vào thử nghiệm như: Giống Nhị ưu 838, TH 3-3, Việt Lai 20, KD 18.. với quy mô gần 30 ha.
Qua thực tế sản xuất cho thấy những giống lúa này có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, giảm chi phí trong sản xuất... Khi các ô mẫu có kết quả, trạm phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức những cuộc hội thảo đầu bờ tuyên truyền và khuyến khích người dân nhân ra diện rộng. Điều này đã giúp sản lượng lúa trong toàn huyện ngày càng tăng cao. Điều này được minh chứng qua sản lượng lúa năm 2008 của toàn huyện đạt trên 40 nghìn tấn (cao hơn năm 2002 là hơn 9 nghìn tấn, trong khi diện tích trồng lúa không thay đổi).
Song song với việc tăng năng suất lúa, Trạm còn đưa vào trồng và sản xuất đại trà những giống lúa có chất lượng cao. Trong vụ xuân năm 2009, Trạm đã xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao như giống: BIO 44, SYN 6... với quy mô 6 ha. Kết quả cho thấy, giống lúa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của nhân dân địa phương, năng suất đạt 67 tạ/ ha, chất lượng thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Với những kết quả đã đạt được, vụ mùa năm 2009, Trạm Khuyến nông đã tham mưu với UBND huyện phú Lương đã khuyến khích bà con nhân dân đưa các giống lúa lai có năng suất cao vào sản xuất như: Giống TH 33, Khang dân 18, BIO 44.
Cùng với đó, để giúp người dân tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, mỗi năm Trạm Khuyến nông đã tổ chức hơn 300 lớp tập huấn chuyển giao KHKT đến cho nhân dân và triển khai đến từng xóm của 16 xã, thị trấn của huyện từ khâu làm đất, gieo mạ cấy ở lúa đến cách chăm sóc điều trị sâu bệnh, chăm sóc chè và kĩ thuật trồng rừng. Đặc biệt là các phương pháp thâm canh lúa cải tiến như: Sử dụng kỹ thuật sản xuất SRI, hay các buổi tập huấn gieo sạ bằng máy... giúp người dân tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn huyện có trên 300 ha lúa cao sản và đang dần hình thành vùng sản xuất lúa có chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Bám sát chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất sản lượng, phát triển kinh tế hộ gia đình theo định hướng của huyện, Trạm Khuyến nông Phú Lương đã khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với từng chân ruộng. Cụ thể, ở những chân ruộng cấy 1 vụ, năng suất thấp chuyển đổi trồng chè cành giống mới nh LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên... mang lại hiệu qủa kinh tế cao. Đồng thời, để tận dụng các nguồn đất, Trạm còn đưa các giống ngô, đậu tương, lạc có năng suất cao vào trồng tại những diện tích đất không cấy lúa. Vụ xuân năm 2009, Trạm xây dựng mô hình 3 ha ngô giống mới NK 67 tại xã Động Đạt, đến nay đã được thu hoạch.
Ông Phạm Hồng Sáng, Xóm Khe Nát, xã Động Đạt, người đi đầu trong việc đưa các giống ngô mới vào sản xuất cho biết: Trước đây, người dân trong xóm thường dùng giống ngô địa phương, năng suất chỉ đạt 1,2 tạ/ sào và chất lượng thì rất thấp nên thu nhập từ đồng ruộng không đảm bảo cho cuộc sống. Từ năm 2004, khi Trạm khuyến nông huyện đưa các giống ngô mới về trồng thử nghiệm, gia đình tôi đăng ký trồng. Vụ xuân này, gia đình trồng hơn 1 mẫu ngô giống mới NK 67, đến nay đã cho thu hoạch, năng suất đạt (2 tạ/sào), cao hơn hẳn so với những giống ngô thuần trước đây. Trừ chi phí mỗi vụ ngô gia đình cũng thu được hơn 10 triệu đồng. Cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn…
Với đặc điểm của một huyện trung du miền núi, với nhiều triền đồi nên việc phát triển kinh tế đồi rừng, xây dựng mô hình trồng rừng cũng được Trạm khuyến nông Phú Lương đặc biệt chú trọng. Chỉ tính từ năm 2007 - 2008, Trạm đã xây dựng 2 mô hình keo lai tại các xã: Phấn Mễ, Yên Ninh, Yên Trạch, với diện tích gần 200 ha. Loại cây được đưa vào trồng chủ yếu là keo lai và keo úc nhập ngoại. Đến nay diện tích đất trống đồi núi trọc ở những xã này không còn mà thay vào đó là một màu xanh mượt mà của những rừng keo. Ngoài ra, các mô hình VAC cũng được đẩy mạnh. Từ năm 2007 đến nay, thông qua Trạm, trên 60 con lợn lái ngoại đã được triển khai nuôi tới 6 hộ gia đình tại các xã Ôn Lương, Cổ Lũng, Phấn Mễ. Ngoài ra, các mô hình nuôi Nhím, lợn Mán, cá Rô phi đơn tính cũng được thành lập. Tính đến thời điểm này, đã có 2 mô hình chăn nuôi lợn Mán đó là: Gia đình anh Nguyễn Đức Hải, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, Phú Lương và gia đình anh Đinh Văn Quyền, xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, Phú Lương.
Anh Quyền cho biết: Những năm trước tôi đầu tư nuôi hàng trăm con dê, rồi cả ngan, gà, vịt và gần 5.000 m2 mặt nước nuôi cá. Đầu năm 2009 vừa qua, tôi tham gia lớp tập huấn chăn lợn Mán do Trạm Khuyến nông khuyến tổ chức, thấy chương trình này có hiệu quả nên tôi đã đâu tư mua 11 con lợm Mán về nuôi. Anh cho biết, nhờ có Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn từ xây dựng chuồng trại, chọn giống, cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên những năm gần đây, mỗi năm trang trại của ông thu lãi trên 100 triệu đồng.
Với những nỗ lực mà Trạm Khuyến nông đã thực hiện trong những năm qua đã giúp đời sống của người nông dân trên địa bàn huyện có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, theo đồng chí Phan Văn Tường thì việc triển khai các mô hình, ứng dụng khoa học kỹ thuật đến người dân hiện vẫn còn những khó khăn, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số vì với những nhận thức còn hạn chế để thay đổi cách làm truyền thống của các hộ dân không phải là điều đơn giản, có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, Trạm cũng rất mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của các cấp ngành chức năng để hoạt động khuyến nông sẽ triển khai một cách sâu, rộng, hiệu quả hơn đến với mỗi gia đình nông dân.