Gian nan xuất khẩu chè nguyên liệu

09:45, 31/08/2009

Xuất khẩu chè (chủ yếu là chè nguyên liệu - xuất thô) của tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây sụt giảm đáng kể. Năm 2006, Thái Nguyên xuất khẩu là 8,5 nghìn tấn chè thì năm 2007 chỉ còn 6,8 nghìn tấn và năm 2008 đã tụt xuống còn 5,2 nghìn tấn. 8 tháng qua, mặc dù kim ngạch xuất khẩu chè có tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với kế hoạch cả năm chỉ đạt khoảng 40-50%.

 

Điều này đã được các chuyên gia kinh tế nhận định ngay từ đầu năm 2009 khi kế hoạch xuất khẩu chè cả năm của tỉnh được xây dựng ở mức quá cao, 11 nghìn tấn, tăng hơn hai lần so với thực tế thực hiện năm trước. Theo ông Dương Huy Khải, Trưởng phòng Quản lý Thương mại và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công thương) thì đây sẽ là một khó khăn lớn trong thực hiện kế hoạch năm vì khối lượng xuất khẩu đề ra tương đương với khoảng 40% tổng sản lượng chè búp khô toàn tỉnh. Hơn nữa, khủng hoảng kinh tế thế giới thời gian qua đã khiến nhiều thị trường đóng băng, đặc biệt là các thị trường mạnh về tiêu thụ hàng tiêu dùng. Bởi vậy, nhận định năm nay kim ngạch xuất khẩu chè của chúng ta chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch đề ra.

 

Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc, trao đổi với một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu chè trực tiếp ra nước ngoài thì được biết các doanh nghiệp này đang có chủ trương hạn chế xuất nguyên liệu thô vì lý do giá bán thấp hơn giá nội tiêu. Công ty Xuất nhập khẩu Thái Nguyên là doanh nghiệp xuất khẩu chè trực tiếp sang Trung Quốc và Pakistan. Từ đầu năm đến nay, do giá bán quá thấp nên doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu khoảng 600 tấn chè nguyên liệu. Mấy tháng qua Công ty chủ yếu lo tiêu thụ nội địa lượng chè nguyên liệu còn tồn từ năm trước, ước tính thua lỗ khoảng 1,7 tỷ đồng. Công ty Xuất nhập khẩu Trung Nguyên cũng là doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp chè nguyên liệu sang Pakistan. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp này xuất trên 1.000 tấn chè khô. Tuy nhiên, năm nay chỉ tiêu này sẽ khó đạt vì theo ông Phan Huy Bính, Giám đốc Công ty, giá chè xuất khẩu chỉ đạt khoảng 2 USD/kg, trong khi giá tiêu thụ nội địa đã khoảng 4-5 USD. Bởi vậy, một mặt doanh nghiệp vẫn giữ mối với bạn hàng xuất khẩu, mặt khác tập trung vào khai thác thị trong nước. Hiện nay, doanh nghiệp đang chuyển hướng, ký hợp đồng mua chè khô trực tiếp với nông dân, sau đó về chế biến lại để có sản phẩm chè chất lượng phục vụ xuất khẩu và nội tiêu.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10 doanh nghiệp xuất khẩu chè trực tiếp, trong đó chủ yếu là xuất các mặt hàng chè nguyên liệu. Có thể kể tên các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần chế biến nông sản, Công ty Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, Công ty Xuất nhập khẩu Trung Nguyên, Công ty chè Hà Thái, Công ty cổ phần tập đoàn Tân Cương-Hoàng Bình, Công ty cổ phần Bắc Kinh Đô, Công ty chè Vạn Tài… Hầu hết các doanh nghiệp này thời gian gần đây đều không đạt được kim ngạch xuất khẩu đề ra, ngoại trừ một số đơn vị xuất khẩu chè đặc sản, đóng hộp và có thương hiệu như: chè Hoàng Bình, chè Tân Cương và các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp qua Tổng Công ty chè Việt Nam như: Công ty chè Sông Cầu, Công ty chè Hà Nội…

 

Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè nguyên liệu đã bắt đầu xa lánh thị trường xuất khẩu, quay sang làm chè đặc sản để tiêu thụ trong nước. Theo tính toán thực tế của các doanh nghiệp thì mỗi kilôgam chè đặc sản bán tại địa phương đã gấp tới 4-5 lần mỗi kilôgam chè nguyên liệu xuất khẩu. Một loạt nhà máy chè của tỉnh đã chuyển hướng tập trung sản xuất chè đặc sản. Không ít nơi trong tỉnh đã nghĩ đến việc quy hoạch vùng chè xanh để chế biến chè Ô long. Công ty chè Vạn Tài là một doanh nghiệp ra đời chưa lâu nhưng đã biết đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, sản xuất chè đặc sản. Không chỉ nội tiêu mà giờ đây doanh nghiệp này còn hướng tới xuất khẩu chè xanh truyền thống. Đây được xem là bước tháo gỡ khó khăn ban đầu và lâu dài của các doanh nghiệp.

 

Từ trước đến nay, cơ bản chúng ta vẫn chỉ xuất khẩu chè ở dạng nguyên liệu thô nên giá cả thường bấp bênh, giá trị đạt thấp và hay bị đối tác ép giá. Việc một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến chè hiện đại là hướng mở cần thiết để chúng ta có thể khai thác triệt để thị trường trong nước và từng bước tiến sâu vào thị trường xuất khẩu. Bởi lẽ, tiền lệ Thái Nguyên đã có doanh nghiệp xuất khẩu chè với giá trị tương đương khoảng 20-30 USD/kg.

 

Thái Nguyên cách nay 3 năm về trước đã được chứng kiến sự vượt đỉnh trong chiếm lĩnh thị trường chè xuất khẩu, nhưng giờ lại đang lâm vào tình thế khó khăn. Đây được xem là tình trạng chung của thị trường xuất khẩu năm nay, nhưng cũng có nhiều điểm do nguyên nhân chủ quan. Thời gian tới, nếu các doanh nghiệp của chúng ta vẫn duy trì hình thức xuất khẩu chè ở dạng nguyên liệu thô thì việc khó khăn như hiện nay là không thể tránh khỏi.