Toàn tỉnh hiện có gần 18 nghìn ha chè, trong đó có 1.571ha chè đặc sản. Từ lâu sản phẩm chè Thái đã là một đặc sản nổi tiếng được nhiều thực khách trong và ngoài nước ưa dùng.
Toàn tỉnh hiện có gần 18 nghìn ha chè, trong đó có 1.571ha chè đặc sản. Từ lâu sản phẩm chè Thái đã là một đặc sản nổi tiếng được nhiều thực khách trong và ngoài nước ưa dùng. Nhờ hiệu quả kinh tế đem lại, chè đã trở thành cây tham gia xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Nhưng cho đến nay, tại các vùng chè trong tỉnh vẫn thường xảy ra tình trạng người trồng chè lạm dụng quá nhiều các loại phân hóa học như: Đạm, lân, kaly… làm cho đất đai ngày càng bạc màu. Trong phòng trừ sâu bệnh thì thường dùng các loại thuốc hóa học để phun dẫn tới môi trường sống bị ô nhiễm, sản phẩm chè sản xuất ra không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhận thức được vấn đề cần thiết phải nâng cao năng lực cho người sản xuất chè, năm 2007, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai dự án: Nâng cao năng lực cho người sản xuất chè an toàn - chè hữu cơ tại các xã vùng chè đặc sản tỉnh Thái Nguyên. Dự án được triển khai trên 4 xã có diện tích chè lớn và sản phẩm chè ngon là: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) và La Bằng (Đại Từ), với tổng diện tích 6ha. Sau 2 năm triển khai dự án, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức được trên 20 cuộc hội thảo và 54 khóa tập huấn cho trên 2.000 lượt người tham gia về các nội dung: Chia sẻ kinh nghiệm, kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật sản xuất - chế biến chè an toàn - chè hữu cơ… Đồng thời, xây dựng được 60 ô mẫu trình diễn ở hộ, thành lập 18 câu lạc bộ sản xuất, chế biến chè an toàn với 450 thành viên. Sau khi được tập huấn về kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn, người dân trong vùng dự án, đặc biệt là thành viên các câu lạc bộ, đã thay đổi nhận thức về cách trồng, chăm sóc và chế biến chè.
Ông Nguyễn Văn Thanh, xóm Khuôn Hai, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi có 5 sào chè. Từ năm 2006 trở về trước, gia đình vẫn trồng, chăm sóc theo cách thức cha ông để lại, hết mùa thu hoạch thì đốn chè, sau khi đốn thì bón các loại phân hóa học như: Lân, đạm, kaly… Nhưng từ khi có dự án, được tham gia các lớp tập huấn, tôi đã biết tự ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh để bón chè bằng cách lấy các loại cây xanh băm nhỏ và phân chuồng trộn đều với chế phẩm EMUNIV, sau đó lấy bạt, bao tải dứa hoặc nilon che phủ ủ ở nhiệt độ khoảng 40-50 độ C trong vài ngày rồi đem bón cho chè. Từ khi dùng phân ủ hữu cơ vi sinh, đất trồng chè của gia đình ngày càng được cải tạo, nhờ đó, năng suất chè cũng tăng lên. Hiện nay mỗi sào chè nhà tôi cho thu 16kg chè khô, tăng khoảng 2kg/sào so với năm 2006…
Về những phương pháp quản lý dịch hại, ông Bùi Văn Đại, xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Chè thường hay bị các loại bệnh như: Đốm nâu, tóc đen… Trước đây, trên diện tích hơn 20 sào chè của gia đình, mỗi năm tôi phải mất gần 1 triệu đồng để mua các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ phục vụ cho cây chè. Do không biết tác dụng của từng loại thuốc, nên cứ phun thuốc này không hiệu quả thì lại đổi thuốc khác. Nhưng từ khi được tập huấn các phương pháp quản lý dịch hại mà Dự án cung cấp, tôi đã tăng cường vệ sinh đồi bãi, bón lót đủ lượng phân hữu cơ, bố trí trồng cây che mát cho chè. Qua đó diện tích chè bị nhiễm sâu bệnh giảm đáng kể, đã giảm được việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, tiết kiệm chi phí. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng, tôi phun thuốc đúng theo chủng loại, liều lượng và nồng độ, đúng cách và đúng thời điểm như đã được tập huấn. Do đó một năm gia đình tôi tiết kiệm được gần 1 triệu đồng trong việc phòng trừ sâu bệnh hại chè…
Ngoài việc nâng cao sản lượng, giảm chi phí đầu vào, việc sản xuất, chế biến chè theo cách thức mới cũng góp phần hạn chế tới mức thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong sản phẩm, nâng cao chất lượng Giá bán chè sản xuất theo phương pháp này hiện nay cũng cao hơn từ 15-20% so với chè của các hộ không áp dụng, khách hàng thì thường vào tận nhà đặt mua.
Thấy được hiệu quả của Dự án, nhiều hộ dân trong vùng cũng học tập làm theo phương pháp sản xuất chè mới. Đến nay, tổng diện tích chè được trồng, chăm sóc dựa theo những khuyến cáo của Dự án đã mở rộng ra hàng trăm ha với hàng nghìn hộ áp dụng. Từ 18 câu lạc bộ sản xuất chè an toàn với 540 thành viên, đến nay đã thu hút thêm gần 100 thành viên. Đây là một hướng phát triển tốt trong chiến lược xây dựng vùng chè chất lượng cao ở tỉnh ta.