Hướng phát triển của Tiên Hội

08:28, 28/08/2009

Bao đời nay, người dân xã Tiên Hội (Đại Từ) sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt với 2 loại cây trồng chính là lúa và chè cho thu nhập không cao, đời sống gặp nhiều khó khăn.

 

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đảng uỷ, UBND xã đã tích cực chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác nguồn lực lao động, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời từng bước sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã Tiên Hội cho biết: Đảng uỷ, UBND xã đã xác định nông nghiệp là hướng sản xuất chủ đạo để phát triển kinh tế, do đó, xã tập trung chỉ đạo nhân dân đưa những giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao vào nuôi, trồng để tăng thu nhập, ổn định đời sống.

 

Với 223 ha đất chuyên sản xuất lúa, xã chỉ đạo nông dân gieo cấy đúng khung thời vụ, cơ cấu giống ổn định như Khang dân 18, Hương thơm số 1, nếp… Gần đây, người dân còn chủ động đưa những giống lúa lai vào gieo trồng với tổng diện tích toàn xã vào thời điểm cao nhất lên tới 45 ha. Tại cánh đồng xóm Bãi Cải, qua phỏng vấn một số người dân chúng tôi được biết: "Nếu chăm sóc lúa lai đúng quy trình kỹ thuật thì năng suất, sản lượng đạt trên 20% so với giống lúa thuần". Cùng với cây lúa, xã còn vận động người dân chuyển đổi hàng chục héc - ta đất thiếu nước tưới trong vụ xuân sang trồng hoa màu như lạc, đỗ, ngô…

 

Cây chè được xác định là cây mũi nhọn của địa phương và đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân nơi đây. Hiện, toàn xã có 290 ha chè trong đó gần 90 ha chè cành với các giống LDP1, TRI777… Năng suất chè của Tiên Hội đạt bình quân 78 tạ/ha, chè thâm canh 85-90 tạ/ha, sản lượng đạt trên 2 nghìn tấn búp tươi/năm. Bên cạnh đó, Tiên Hội còn có trên 40 ha vải thiều, 5-6 năm trở lại đây, người dân còn tích cực đưa giống bưởi Diễn vào trồng với tổng diện tích khoảng 5 ha. Là một trong hơn chục hộ tham gia trồng bưởi Diễn, ông Trần Văn Quý xóm Tiên Trường 1 cho biết: Gia đình tôi trồng 50-60 gốc bưởi Diễn đầu tiên trên mảnh đất này từ những năm 2002-2003. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, hiện, những cây bưởi này đã cho thu hoạch, với giá bán trung bình 15 nghìn đồng/quả, gia đình tôi thu được khoảng 20-30 triệu đồng. Thấy thu nhập cao, chi phí thấp, gia đình tôi tự nhân giống để trồng, đến nay gia đình có 500 gốc bưởi Diễn, trong đó 150 cây đang cho thu hoạch…

 

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đang dần khẳng định vị thế trong cơ cấu nội ngành Nông nghiệp. Những năm gần đây, xã hướng dẫn bà con đầu tư chăn nuôi lợn nái ngoại và lợn siêu nạc, chăn nuôi gia cầm theo mô hình công nghiệp. Hiện, toàn xã có gần 500 con trâu, bò, trên 46 nghìn con gia cầm, gần 6 nghìn con lợn. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại thu nhập đáng kể cho kinh tế - xã hội ở địa phương. Do đó, Tiên Hội sẽ tiếp tục duy trì và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và coi đây là hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Tiên Hội đang xây dựng 4 mô hình chăn nuôi lợn thịt với quy mô trên 100 con trở lên.

 

5 năm trở lại đây, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn xã từng bước phát triển với các ngành nghề: gia công cơ khí, vận tải, dịch vụ thu mua chè, dịch vụ ăn uống, sản xuất kinh doanh nhỏ… Hiện nay, toàn xã có 85 hộ kinh doanh vừa và nhỏ đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Tiên Hội đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 28% (năm 2006) xuống còn gần 13% hiện nay; nếu như năm 2005, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn mới chỉ đạt 3,5 triệu đồng/người thì đến năm 2008 đã tăng lên 7 triệu đồng/người…

 

Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nói chung và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, Đảng bộ chính quyền xã Tiên Hội xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn sản xuất với thị trường tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị; coi trọng an ninh lương thực kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, ngành nghề nông thôn. Cùng với đó, xã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, mang tính sản phẩm hàng hóa, việc thâm canh phải phù hợp với trình độ canh tác của nhân dân; việc xây dựng mô hình phải theo dõi chặt chẽ các khâu khi tổ chức thực hiện, đưa các giống có năng suất, chất lượng vào gieo trồng, chăn nuôi; phát huy vai trò làm chủ của người sản xuất, cán bộ có tay nghề và kiến thức về KHKT tạo ra được các mô hình sau đó nhân ra diện rộng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, xóa đói giảm nghèo trong nhân dân…