Trong thời gian 8 tháng năm 2009, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Thành phố Thái Nguyên tín chấp với các Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 3.400 hội viên được vay vốn, với tổng dư nợ gần 24 tỷ đồng…
Thông qua tín chấp của Hội LHPN phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên), năm 2004, chị Trương Thị Thu, tổ 23 vay được 5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố để phát triển kinh tế gia đình.
Để số tiền vay phát huy được hiệu quả, Hội LHPN phường đã phân công hội viên đến giúp đỡ chị Thu xây dựng phương án sản xuất, đầu tư chăn nuôi lợn nái, trâu sinh sản và gia cầm. Đến nay, ngoài trả được vốn vay cho ngân hàng, chị Thu còn có vốn tiếp tục đầu tư cho sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Diện, Chủ tịch Hội LHPN phường Thịnh Đán cho biết: Gia đình chị Thu là một trong rất nhiều trường hợp hội viên được Hội giúp đỡ thoát nghèo. Ngay năm 2008 vừa qua, Hội có 62 gia đình hội viên được công nhận thoát nghèo. Cũng năm vừa qua, Hội và các đoàn thể của phường còn phối hợp giúp đỡ làm nhà cho gia đình bà Hà Thị Mai và hộ bà Nông Thị Luyến, hội viên nghèo ở tổ 11.
Bà Trần Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN T.P Thái Nguyên cho biết: Các gia đình hội viên nghèo chủ yếu do thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, không có sức lao động, bản thân thường xuyên ốm đau và do không có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế... Từ xác định rõ các nguyên nhân nghèo của hội viên, nên những năm gần đây, Hội có các hoạt động cụ thể hơn, như việc hằng năm các cơ sở hội trực thuộc tự điều tra số hộ hội viên nghèo, tìm hiểu xem họ cần tổ chức Hội giúp đỡ gì trong phát triển kinh tế, rồi tự đăng ký với Hội LHPN Thành phố về số hộ cần được giúp đỡ xóa nghèo từng năm... Bằng cách làm cụ thể này, số gia đình hội viên nghèo đã giảm nhanh, trong thời gian 3 năm gần đây (2006-2008), Hội đã giúp đỡ được 432 gia đình thoát nghèo do phụ nữ đứng tên chủ hộ, trong đó năm 2008 giảm được 110 hộ hội viên nghèo.
Trong thực hiện phong trào, mỗi cơ sở hội lại có cách làm riêng, như ở chi hội phụ nữ xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, các chị em trong chi hội đã giúp đỡ gia đình bà Ngô Thị Lan thoát nghèo bằng hỗ trợ ngày công lao động, như việc hái chè, thu hoạch lúa màu... Lúc rảnh, chị em lại bày cho bà Lan cách trồng chè giống mới thay diện tích chè già cỗi. Về mùa vụ, chị em trong chi hội đến “bày” cho bà Lan cách sử dụng giống lúa, ngô mới có năng suất cao. Sau hơn 3 năm được giúp đỡ, đến nay gia đình bà Lan đã thoát nghèo.
Rời xóm Cây Thị, chúng tôi mang theo niềm vui của một vùng đất đang từng ngày đổi mới của Phúc Xuân, để đến với vùng chè xã Quyết Thắng. Trò chuyện với chúng tôi, bà Phạm Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã tự hào: Hội có 654 hội viên sinh hoạt tại 10 chi hội cơ sở. Bằng các giải pháp giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, như việc Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp chị em được vay vốn, đồng thời Hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên. Ngay từ chi hội, các hội viên đã tự phân công, giúp đỡ nhau cách thiết kế vườn bãi trồng từng loại cây phù hợp, cách xây dựng chuồng trại chăn nuôi, do vậy năm 2008, Hội đã có 32 gia đình hội viên thoát nghèo, trong đó có 19 gia đình do phụ nữ làm chủ hộ. Điển hình như gia đình chị Hà Thị Minh, xóm Gò Móc. Chị Minh nghèo vì thiếu sức lao động, không có vốn đầu tư cho sản xuất. Năm 2006 Hội đã tín chấp giúp gia đình chị Minh vay được 7 triệu đồng vốn ngân hàng. Số tiền này chị Minh mua 1 con trâu cày, 100 con vịt đẻ siêu trứng. Nhờ vậy trong sản xuất mùa vụ, chị Minh giảm được tiền công thuê trâu, chủ động được thời vụ nên gia đình chị đã nhanh chóng ổn định cuộc sống. Hiện chị Minh không chỉ trả được hết nợ với ngân hàng, mà còn có 1 con trâu cày, 200 con vịt siêu trứng và 1 con lợn nái...
Hằng năm, Hội LHPN xã còn chỉ đạo cho các chi hội vận động hội viên đóng góp tiền quỹ, tạo nguồn vốn vay giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như chi hội phụ nữ xóm Sơn Tiến, xóm Gò Móc... các hội viên tham gia đóng góp được hơn 7 triệu đồng. Số tiền này được luân chuyển qua các gia đình hội viên nghèo. Theo bà Phượng, ngoài ý nghĩa hỗ trợ cho gia đình hội viên vượt qua lúc bần hàn, số tiền này còn là cơ hội để các giúp các hội viên có điều kiện gần gũi, giúp đỡ nhau. Bà Phượng còn cho biết thêm: Trong tháng 5 - 2009, gia đình chị Bùi Thị Nga, xóm Cây Xanh không may bị hỏa hoạn, chị em trong chị hội xóm Cây Xanh đã cùng nhau giúp đỡ gia đình chị Nga dọn dẹp, lấy chỗ làm lại ngôi nhà mới.
Từ những việc làm thiết thực, Hội LHPN đã trở thành điểm tựa tin cậy của hội viên. Bà Trần Kim Dung cho biết thêm: Trong thời gian 8 tháng đầu năm 2009, Hội LHPN Thành phố tín chấp với các Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 3.400 hội viên được vay vốn, với tổng dư nợ gần 24 tỷ đồng. Cùng với đó, hội viên dưới cơ sở đã tự nguyện giúp nhau không lấy lãi bằng tiền, vàng, cây, con giống và ngày công lao động, với tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Năm 2009, từ 28 cơ sở hội ở xã, phường đã đăng ký với Hội LHPN thành phố giúp đỡ cho hơn 100 gia đình do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo