Làm giàu từ nuôi hươu

14:50, 26/08/2009

Là một trong những người đầu tiên mang con hươu từ miền trung xa xôi về với đất Thái Nguyên, ông Tống Viết Sính, xóm Soi, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) những mong con hươu sẽ đem lại cơm no, áo ấm cho nông dân vùng núi.

 

Sinh năm 1949 ở miền quê nghèo Lương Sơn, theo tiếng gọi của Tổ quốc, 19 tuổi ông Tống Viết Sính làm đơn tình nguyện gia nhập quân đội. Sau gần 10 năm xông pha chiến trường, khi đất nước không còn bóng giặc, ông trở về quê hương. Nhưng ở vùng đất quê ông cằn khô, thiếu nước phục vụ sản xuất, để kiếm được miếng cơm thật quá nhọc nhằn. 10 sào ruộng của gia đình luôn trong tình trạng thiếu nước nên chỉ cấy được 1 vụ. 5 đứa con  đang tuổi ăn, tuổi lớn nên gia đình chỉ đủ lương thực ăn trong 6 tháng, nửa năm còn lại phải đi ăn đong. Việc đi vay mượn cũng không dễ bởi đa phần những hộ xung quanh đều thiếu gạo, thiếu thóc. Thương vợ, thương con, thương những người nông dân cùng chung cảnh nghèo, ông luôn suy nghĩ, phải tìm cách để thoát khỏi túng bấn. Nhiều đêm không ngủ, tính toán cơm gạo đã khiến những đường nhăn trên vầng trán ông đến sớm hơn so với tuổi.

 

Từ những trăn trở áo, cơm năm 1992, ông Tống Viết Sính đã thực hiện một cuộc hành trình mang con hươu từ miền Trung về nuôi. Ý tưởng đưa hươu về nuôi bắt nguồn từ khi những người họ hàng ở Nghệ An - quê vợ ông thông tin: nhung hươu rất có giá, nuôi hươu lại không tốn kém. Ông cho biết: Khi quyết định đầu tư nuôi hươu, tôi đã về Nghệ An tìm hiểu. Được nhìn tận mắt đôi nhung đỏ thắm mượt mà và chứng kiến cách hươu ăn, ở, tôi thấy việc nuôi hươu không tốn kém gì, chỉ hằng ngày cắt cỏ, bẻ lá cây cho chúng ăn là đủ.

 

Để có tiền mua đôi hươu về nuôi, ông chạy vạy khắp nơi cả năm trời mới vay đủ 10 triệu đồng. Ông bảo: Nuôi hươu phải thực hiện đúng 3 sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch, chính vì vậy ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thức ăn lấy về ông rửa thật sạch đất cát rồi mới cho hươu ăn. Thức ăn ưa thích của chúng là cỏ, lá cây và các loại củ quả, 2 năm trời ông Sính chăm chút đôi hươu như các thành viên trong gia đình. Để trả công cho ông, cuối năm thứ hai, đôi hươu cho ông cặp nhung đỏ thắm, mượt mà. Lứa đầu tiên ông thu được 2,5 triệu đồng tiền bán nhung và từ đó cứ 1 năm 2 lứa, ông thu được trên 20 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình ông dần dần ổn định và có phần dư dả.

 

Thấy được hiệu quả từ việc nuôi hươu, ông đã vận động các hộ xung quanh cùng nuôi, mỗi khi có ai nhờ, ông lại lặn lội vào tận Nghệ An để mua hộ hươu giống. Về nhà ông lại hướng dẫn cho họ cách chăm sóc, kỹ thuật lấy nhung. Cả bí quyết riêng mà ông tích luỹ được qua nhiều năm nuôi hươu ông cũng đem chia sẻ với mọi người. Đó là khi hươu sắp mọc nhung thì cho ăn thêm cà rốt, khoai lang để thúc đẩy quá trình mọc nhung. Ông Vũ Hoàng Hanh, xóm Xuân Đào, xã Đào Xá (Phú Bình) cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình ông chỉ dựa vào 5 sào ruộng, làm cật lực cả năm cũng chỉ đủ thóc ăn, năm 2002, được ông Sính mua hộ hươu giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên đến nay hươu đã cho nhung, kinh tế gia đình vì thế đã khấm khá hơn.

 

Nuôi hươu vừa đơn giản, không tốn kém lại cho thu nhập cao nên đã có lúc gia đình ông Sính đầu tư nuôi đến 7 con, cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Đến nay, ông đã mua hươu giống giúp 54 hộ ở các xã Đào Xá, Tân Khánh, Tân Kim, Bảo Lý, Kha Sơn, Lương Phú (Phú Bình) và xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên).