Làm giầu từ sản xuất gạch

09:26, 21/08/2009

Đến thăm cơ sở sản xuất gạch của ông Chu Văn Lợi ở xóm Hạ, xã Nam Tiến ( Phổ Yên) chúng tôi rất ấn tượng bởi quy mô bề thế: Trên diện tích hơn 4 ha, với 4 vỏ lò gạch, hàng năm cơ sở của ông sản xuất từ 4 đến 5 triệu viên gạch cho tổng thu nhập từ 3,5 đến 4 tỷ đồng.

 

Để đạt được thành quả như ngày hôm nay, ông Lợi đã phải trải qua không ít gian nan, vất vả. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nam Tiến, năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Sau khi thống nhất đất nước, ông tiếp tục cùng đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trở về cuộc sống đời thường cuối năm 1979, mang trên mình vết thương chiến tranh với mức thương tật 3/4, cuộc sống của gia đình ông vô cùng khó khăn: Bố mẹ già, anh chị em đều xây dựng gia đình, con cái nheo nhóc. Nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông xác định: Ngoài làm ruộng phải phát triển thêm nghề phụ mới có thể thoát nghèo. Năm 1982, Ông bắt đầu vừa học vừa làm nghề mộc ngay tại nhà. Sau một thời gian ngắn, ông đã tổ chức được một đội thợ mộc và thợ nề chuyên đi xây dựng công trình nhà ở trong và ngoài tỉnh. Nghề mộc thường xuyên phải đi sớm tối, không có thời gian chăm sóc cho gia đình, năm 1987, ông chuyển sang mua máy xay xát phục vụ bà con tại nhà. Được UBND xã Nam Tiến cho mượn một phần đất ở chợ Vạn, ông kết hợp sửa xe và làm cơ khí nhưng cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình, không có tích lũy.

 

Cơ duyên với nghề làm gạch của ông bắt đầu từ năm 1994, khi ông lặn lội lên tận Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để thăm các mô hình sản xuất gạch máy. Ông rất tâm đắc với nghề này và quyết định mua máy làm gạch tại nhà. Đây chính là thời điểm kinh tế gia đình khó khăn nhất, toàn bộ gia sản đầu tư để mua máy, ông còn phải vay 17 cây vàng với lãi suất cao. Hết đất trong vườn, ông phải đi xin từng xe đất của những gia đình có nhu cầu hạ thấp ruộng mang về đóng gạch tại nhà. Năm 2003, nghề đóng gạch của ông bị gián đoạn gần 1 năm do không còn đất để sản xuất.

 

Ông chia sẻ: “ Tôi đã định bỏ nghề nhưng lại đắn đo, bản thân gia đình có 5 đứa con, trình độ văn hóa không có, làm sao có thể thoát ly nông nghiệp”. Do vậy, đầu năm 2004, ông lại quyết định trở lại với nghề làm gạch, có bao nhiêu vốn tích lũy được, cộng với số tiền vay thêm ông thuê nhân công xây dựng 1 vỏ lò nhỏ, mặt bằng sản xuất phải đi thuê. 5 năm trở lại với nghề, bằng sự kiên trì và đầu tư cho chất lượng sản phẩm, cơ sở của ông ngày càng phát triển. Hiện nay, ông đã mua được 4 ha đất sản xuất, mỗi tháng cho ra lò từ 40 đến 50 vạn viên gạch. Do chất lượng tốt, gạch sản xuất ra không đủ để cung cấp cho thị trường và luôn bán đắt nhất huyện (giá trung bình 720 đồng/viên). Các máy phục vụ sản xuất ông đã sắm đủ gồm: 1 máy múc, 3 giàn máy ép đất, máy phát điện, máy hàn, máy nghiền than... phục vụ tại chỗ. Trừ chi phí tái sản xuất và các chi phí khác mỗi tháng ông lãi từ 40 đến 50 triệu đồng. Mở rộng sản xuất gạch, ông tạo việc làm thường xuyên cho 65 đến 70 lao động với thu nhập ổn định từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/ tháng. Phần lớn trong đó là con em cựu chiến binh và các gia đình nghèo trên địa bàn xã. Gia đình ông đã xây dựng được nhà 2 tầng khang trang với tiện nghi hiện đại.

 

Với cương vị là trưởng xóm Hạ, ông luôn gương mẫu, vận động nhân dân thực hiện những chủ trương, chính sách của nhà nước, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Đến nay, xóm Hạ không còn hộ thuộc diện nghèo, không có trường hợp sinh con thứ 3, nhiều năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa các cấp. Gia đình ông cũng đạt danh hiệu gia đình văn hóa từ năm 1998 đến nay.