Một mô hình làm ăn mới ở nông thôn

09:54, 26/08/2009

Trong chuyến công tác cùng cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Bình về xã Nhã Lộng, trên đường đi, anh cán bộ tín dụng luôn tay chỉ cho tôi rất nhiều hộ gia đình làm ăn phát triển tốt nhờ có sự đầu tư vốn của Ngân hàng.

 

Có hộ gia đình thì vay vốn để chuyên trồng rau  mang lên thành phố tiêu thụ; có gia đình thì vay vốn để kinh doanh hàng điện tử; có gia đình vừa được Ngân hàng cho vay hỗ trợ lãi suất để mua máy móc phục vụ sản xuất; có gia đình vay vốn tiêu dùng để xây nhà ở khang trang, vững chắc hơn...Nhưng khi đi qua hộ gia đình chị Dương Thị Toàn, ở xóm Trại tôi không thể không dừng chân vì qua lời giới thiệu của anh cán bộ tín dụng thì đây là hộ vừa được vay vốn để phát triển một nghề mới ở nông thôn - đó là nghề dệt len. Khi vào nhà, chúng tôi thấy 4 lao động và cậu con trai của chị đang mải mê làm các công đoạn dệt một chiếc áo bên những cỗ máy: người dệt, người vắt sổ, người quay len, người khâu len. Bên cạnh là những sản phẩm khăn, áo bằng len đã hoàn thiện hoặc may dở dang với nhiều kiểu dáng, mầu sắc khá bắt mắt. 

 

Thấy chúng tôi chăm chú nhìn những chiếc áo len được dệt khá công phu, chị Dương Thị Toàn, một người phụ nữ tuổi ngoài 50, tác phong nhanh nhẹn, nụ cười xởi lởi nhưng khá khiêm tốn nói như thăm dò: Công việc này chúng em mới mở ra nên chưa có gì đáng nói cả. Nói vậy thôi, nhưng chị đã hiểu chúng tôi đến để làm gì đâu. Sau khi nghe anh cán bộ tín dụng giới thiệu về tôi và mục đích chuyến vào thăm, chị như "cởi tấm lòng" kể cho chúng tôi nỗi chuân chuyên mà chị đã trải qua trong quá nửa đời người để rồi hôm nay mới bắt đầu tạm thời tìm được "bến đỗ" với một công việc ổn định. Chị bảo: trước đây, gia đình chị thuộc diện khó khăn của xã. Nhà có 5 miệng ăn nhưng chỉ có 3 sào ruộng. Chị đã phải làm lụng rất nhiều công việc. Cứ thấy việc gì kiếm ra tiền hợp pháp dù vất vả mấy chị cũng làm. Nhưng công việc chị làm nhiều hơn cả vẫn là đi buôn bán nhỏ, vớ cái gì buôn cái nấy. Người dân trong làng cứ thấy chị suốt ngày "long tong" trên đường, chẳng mấy khi ở nhà. Những năm tháng ba đứa con còn nhỏ thì hai bên quang gánh cứ trĩu nặng một bên để đứa con nhỏ ngồi mang theo còn cho nó bú hoặc do không có người trông nom; một bên là đựng rau, mang đi bán. Chị mới thoát khỏi cảnh nheo nhóc vài năm nay khi các cháu đã lớn và có công ăn việc làm, song kinh tế cũng chưa dư dả gì. Vì vậy, đầu năm nay chị đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ vốn ngân hàng để đầu tư mua thêm 6 máy (lúc đầu có 4 máy và đã làm thử nghiệm) để dệt len gia công xuất khẩu cho Công ty len Mùa Đông Hà Nội.

 

Tôi hơi tò mò muốn biết vì sao chị lại có thể "xâm nhập" được vào công việc này, vì nếu không có kỹ thuật, lại dệt len để xuất khẩu là chuyện không đơn giản. Chị cho biết: Gia đình "bước chân" vào nghề này cũng đều có cơ sở cả. Nhà chị có một cậu con trai đã làm việc cho Công ty len Mùa Đông nhiều năm nên vừa có kỹ thuật, vừa có kinh nghiệm đã đứng ra hợp đồng với Công ty để mở xưởng gia công tại nhà nhằm tạo việc làm cho anh em trong nhà và tăng thu nhập cải thiện cho gia đình. Con trai chị là người dạy kỹ thuật cho những người mới vào làm việc và mỗi khi có mẫu mã mới, giám sát sản phẩm. Tuy mới mở ra từ tháng 3- 2009, thu hút 5 lao động (những lao động này không phải làm liên tục mà chỉ trang thủ những lúc rãnh rỗi đến làm), song cũng có thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm làm ra đều do Công ty len Mùa Đông bao tiêu xuất khẩu. 

 

Được biết, khi công việc ổn định, gia đình chị có ý định đầu tư thêm 10 máy dệt len nữa để mở rộng quy mô, tăng thu nhập và cũng là đáp ứng nhu cầu vào làm việc của bà con quanh vùng. Đây là mô hình làm ăn mới ở nông thôn cần được khuyến khích nhằm tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, nhất là chị em trong những lúc "nông nhàn".