Ngân hàng Chính sách - Xã hội với công tác xóa đói giảm nghèo

08:33, 25/08/2009

Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH) tỉnh được thành lập  từ năm 2003 với nhiệm vụ chủ yếu là cho vay các đối tượng chính sách, xã hội.

 

Cho đến thời điểm này, Ngân hàng đang thực hiện 8 chương trình cho vay, trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo là lớn nhất (dư nợ hộ nghèo tính đến 20-8) là 479 tỷ 563 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 52,2% tổng dư nợ các chương trình). Hoạt động cho vay hộ nghèo của NHCSXH những năm qua đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

 

Mỗi lần đi cùng cán bộ tín dụng đến thăm một mô hình hộ nghèo, được NHCSXH tỉnh cho vay vốn, tôi càng thấy được ý nghĩa đồng vốn của NHCSXH với những hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Với lãi suất thấp (0,65%/tháng), thời hạn cho vay dài (36 tháng) đã giúp cho các hộ nghèo (thường là những hộ có hoàn cảnh éo le, khó khăn, hoạn nạn, chưa biết cách làm ăn) có điều kiện đầu tư cho sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ, lẻ để thoát được cảnh đói nghèo.

 

Lần này cũng vậy, đến thăm mô hình làm ăn của chị Trương Thị Thu, dân tộc Sán Dìu, ở tổ 23, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên), một lần nữa, tôi thêm cảm phục nghị lực vươn lên của những hộ nghèo khi có sự trợ giúp từ phía cộng đồng, trong đó có sự đóng góp của đồng vốn ngân hàng. Qua trò chuyện, tôi được biết, gia cảnh nhà chị Thu thật éo le: Chị có một đứa con tật nguyền. Hai vợ chồng, hai đứa con sống trên mảnh đất rộng (hơn 4 nghìn m2) mà không đủ ăn. Nguyên do chủ yếu vẫn là không có vốn đầu tư, nuôi con lợn, con gà chỉ thả rông, thả dài nên thu nhập chẳng đi đến đâu; cái đói, cái nghèo cứ quẩn quanh không thoát được. Năm 2006, được Hội Phụ nữ phường đứng ra tín chấp vay vốn NHCSXH nên chị vào tổ vay vốn và được vay 15 triệu đồng. Chị đã mạnh dạn mua một trâu cái; làm chuồng  trại tử tế để nuôi 2 lợn nái; mua 10 con vịt, 10 con gà về làm giống.

 

Từ đó đến nay, mỗi năm con trâu của nhà chị đã  cho 1 nghé con để xuất bán; lợn nái được xuất hai lứa/mỗi năm; đàn gà, vịt giống được nhân lên đến hàng trăm con chuyên đê trứng đẻ bán. Con nọ nuôi con kia, vốn thu được từ con trâu, con lợn, gà, vịt, chị lại quay vòng đầu tư nuôi cá; chăm sóc lúa cho năng suất cao. Cũng trong vòng 3 năm (từ năm 2006-2008); gia đình chị đã có bát ăn, bát để và chị còn mua sắm được nhiều vật dụng khác trong nhà như mua xe máy, ti vi, bàn ghế, giường tủ. Đến  thời hạn trả nợ ngân hàng, chị cũng đã trả xong. Kinh tế nhà chị đã ổn định nên, dự kiến hết năm 2009, phường Thịnh Đán đang đề nghị để gia đình chị thoát nghèo. Chị tâm sự: nếu gia đình nghèo muốn đầu tư cho chăn nuôi mà phải vay lãi suất cao thì khó làm được, vì lãi suất từ chăn nuôi không lớn, lãi suất ngân hàng mà cao sẽ không còn lãi. Nhờ có lãi suất thấp, thời gian dài nên gia đình mới có điều kiện phát triển chăn nuôi được như vậy".

 

Anh Lê Văn Hồng, Phó phòng nghiệp vụ, NHCSXH tỉnh cho biết: Hiện tại toàn tỉnh có 53.877 hộ nghèo đang vay vốn ngân hàng. Những huyện có dư nợ hộ nghèo vay vốn nhiều là Đại Từ (76 tỷ đồng); Định Hóa (60 tỷ đồng), Phú Bình (66 tỷ đồng). Với mức cho vay bình quân 9 triệu đồng/hộ đã tạo vốn cho hộ nghèo có điều kiện sản xuất (ở khu vực nông thôn tập trung chủ yếu vào chăn nuôi, trồng trọt; ở khu vực thành phố chủ yếu là buôn bán nhỏ, chăn nuôi). Vì thế, số hộ khó khăn được vay vốn thoát nghèo như gia đình chị Trương Thị Thu khá nhiều.

 

Có thể nói, đồng vốn của NHCSXH cũng đóng góp một phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân hàng năm là 3%. Tuy nguồn vốn của NHCSXH không nhiều, song với cách luân chuyển vốn (vốn vay của hộ đã thoát nghèo lại chuyển sang hộ nghèo) nên Ngân hàng đã đáp ứng được đến 90% nhu cầu vay vốn của hộ nghèo trên địa bàn. Đồng vốn của Ngân hàng đã thực sự phát huy được hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (ổn định dưới 1%; năm 2008 chỉ ở mức 0,21%/tổng dư nợ) là do NHCSXH tích cực mở rộng mạng lưới; quản lý vốn chặt chẽ. Đến nay, hệ thống NHCSXH gồm có ở cấp tỉnh và các Phòng giao dịch ở cấp huyện. Bên cạnh đó còn có 147 Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Các tổ chức đoàn thể ở cấp xã là hệ thống "chân rết" có nhiệm vụ giám sát việc sử dụng vốn, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ do Ngân hàng ủy thác và quản lý theo thôn, xóm. Ở các thôn, xóm bản thành lập 3.120 tổ tiết kiệm và vay vốn  (mỗi tổ thường có từ 5 đến 50 thành viên). Với mạng lưới rộng khắp có mặt tại 180 xã, phường, thị trấn và có các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác nên Ngân hàng tiếp nhận giải ngân chính xác, đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả.

 

Từ tháng 5/2009 đến nay, NHCSXH còn thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) theo Quyết định 579, ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc HTLS với các khoản vay tại NHCSXH. Tính đến tháng 8-2009, đã có 9.697 hộ nghèo được vay vốn HTLS  4%/năm ( hộ nghèo chỉ trả mức lãi suất 0,32%/tháng) với dư nợ 135 tỷ 253 triệu đồng. Qua đó, đã góp phần giảm bớt khó khăn cho hộ nghèo khi đầu tư cho sản xuất kinh doanh trong tình hình suy giảm kinh tế. Tháng 9-2009, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục nhận thêm chương trình cho vay chính sách đối với thương nhân khó khăn. Với chính sách mở rộng đối tượng này, sẽ là cơ hội cho các thương nhân khó khăn tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.