Sức bật công nghiệp nặng

14:36, 18/08/2009

Là cái nôi của ngành công nghiệp nặng cả nước lại có tiềm năng, thế mạnh về phát triển công nghiệp khai khoáng, cơ khí, luyện kim và sản xuất vật liệu xây dựng, nên Thái Nguyên luôn xác định công nghiệp nặng là mũi nhọn phát triển kinh tế lâu dài của địa phương. Mấy năm gần đây, hàng loạt dự án phát triển công nghiệp nặng được ưu đãi đầu tư vào tỉnh, có những dự án lên tới cả nghìn tỷ đồng.

 

Gần đây, tại Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, Dự án xây dựng Nhà máy cán thép lớn nhất từ trước đến nay (500 nghìn tấn) đã được khởi công với tổng vốn dự kiến gần 1.300 tỷ đồng. Đây được xem là Dự án khởi động cho một giai đoạn phát triển mới của ngành công nghiệp luyện kim địa phương. Dự án do Công ty cổ phần thép Thái Trung, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) làm chủ đầu tư. Tới đây, Nhà máy này đi vào sản xuất sẽ cho ra lò các sản phẩm thép thanh, vằn và trơn tròn đủ kích cỡ, phù hợp với các tiêu chuẩn chuyên dụng của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Ông Ân Văn Tám, Giám đốc Công ty cổ phần thép Thái Trung cho biết: Dự án này được huy động nguồn vốn từ 3 đơn vị (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Thương mại và Du lịch Trung Dũng và Công ty Thương mại Xây dựng Hà Nam), nên tin chắc tiến độ xây dựng sẽ đảm bảo kế hoạch theo dự kiến.

 

Triển khai đồng bộ cùng với Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn II của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, các đơn vị thành viên của Công ty hiện cũng đang chủ động đầu tư nâng cấp dây chuyền, mở rộng sản xuất, từ đó tăng công suất, chất lượng sản phẩm. Một trong những đơn vị chủ động đầu tư và đã bắt đầu mang lại hiệu quả cao là trường hợp của Nhà máy luyện thép Lưu Xá. Nhà máy hiện đang dành trên 100 tỷ đồng đầu tư nâng công suất sản xuất phôi thép từ 240 nghìn tấn lên 500 nghìn tấn/năm và cải tạo lại hệ thống xử lý môi trường. Trao đổi với chúng tôi ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Nhà máy tâm sự: Trên 100 tỷ đồng đối với một dây chuyền luyện kim là quá ít nhưng với chúng tôi là vừa đủ. Đầu tư thấp nhưng hiệu quả mang lại khá cao. Tới đây, khi Dự án mở rộng giai đoạn II  Khu gang thép Thái Nguyên triển khai rộng khắp, Nhà máy sẽ tiếp tục được đầu tư với những hạng mục sản xuất hiện đại hơn.

 

Đây chỉ là hai trong hàng chục dự án đầu tư trong lĩnh vực luyện kim đang triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Bởi là nhóm ngành chủ đạo, được xác định là một trong những khâu đột phá trong cả giai đoạn 2006 - 2010 và 10 năm tiếp theo của tỉnh, nên công nghiệp luyện kim đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Mục tiêu phấn đấu của Thái Nguyên là đến hết năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp luyện kim đạt khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp cả tỉnh.

 

Cùng với công nghiệp luyện kim là các ngành công nghiệp thế mạnh, mang tính đột phá khác như: công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất cơ khí và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trên địa bàn tỉnh (gồm chế tạo máy, cơ khí tiêu dùng, lắp ráp, sản xuất phụ tùng sửa chữa và phụ tùng thay thế -tập trung ở Khu công nghiệp Sông Công và các nhà máy quốc phòng) đang giữ vị trí dẫn đầu gồm: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Phụ tùng máy số 1; Công ty Diezel Sông Công, Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên, Công ty cổ phần Meinipha… Những đơn vị này thời gian qua đã có được những hợp đồng lớn và ổn định với một số tập đoàn sản xuất ô tô, xe máy, nên không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất. Cụ thể như Công ty Mani Hà Nội mới đây đã tiến hành đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất mới với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, dự tính giải quyết thêm khoảng 700 lao động. Đối với công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hiện tại toàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp lớn. Đáng kể có Nhà máy xi măng La Hiên, Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn, Chi nhánh Mỏ đá Núi Voi, Nhà máy gạch Cao Ngạn, gạch Phổ Yên... công suất cao. Thời gian gần đây, khi Nhà máy xi măng Thái Nguyên công suất 1,5 triệu tấn/năm đi vào sản xuất thử đã một lần nữa tạo ra sức mạnh cho cả ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh. Theo đánh giá của Sở Công thương thì tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này của tỉnh giai đoạn 2006-2010 sẽ ở mức 17-18%/năm với các sản phẩm chủ yếu như: xi măng, cát sỏi, sét, đá xẻ, gạch xây, tấm lợp…và những năm tiếp theo sẽ phát triển các sản phẩm mới là: đá ốp lát, sứ cao cấp, cấu kiện bê tông đúc sẵn, vật liệu chịu lửa…

 

Qua đây có thể thấy, thời gian qua ngành công nghiệp nặng địa phương đã đóng một vai trò rất quan trọng trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Những dự án đầu tư vào lĩnh vực này cũng ngày càng nhiều thêm lên cho thấy sự quan tâm của tỉnh trong định hướng, tạo điều kiện thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp được coi là xương sống này.