Văn Hán ngày không mưa

07:12, 07/08/2009

Tôi chọn một ngày nắng chói chang, rát bỏng mặt người để vào xã Văn Hán, Đồng Hỷ. Đoạn đường đất đỏ chưa đầy chục cây số không làm tôi sa lầy, nhưng lại khiến 2 cánh tay tôi mỏi nhừ vì phải lên gân lên cốt mới điều khiển được chiếc xe máy tránh va đập vào những hòn đá mẹ, đá con lổn nhổn trên đường; ổ trâu, ổ gà lỗ chỗ, bộ quần áo tôi mặc trên người chuyển màu bụi đường. Có đi mới thấu nỗi khổ của những người dân nơi đây!

 

Và cũng chính vì đi lại không thuận lợi, đã tạo nên một nghịch lý: Các mặt hàng tiêu dùng, thuốc trừ sâu, thuốc BVTV… khi vào đến Văn Hán đều cao hơn giá thị trường, nhưng giá các mặt hàng nông sản ở nơi đây lại thấp hơn giá thị trường rất nhiều lần do bị tư thương ép giá. Đó là một trong những nguyên nhân khiến bài toán xóa đói, giảm nghèo của cấp uỷ, chính quyền nơi đây bao năm qua vẫn rơi vào bế tắc, tỷ lệ hộ nghèo tại thời điểm này lên tới 44% (tương đương 1.041 hộ); số hộ nghèo cũ chưa xóa hết, số hộ nghèo mới lại phát sinh, có hộ thoát được nghèo năm trước, năm sau lại tái nghèo. Ông Vi Ngọc Thi, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Cả xã Văn Hán chỉ có duy nhất 800 m đường bê tông được xây dựng ở xóm La Đùm bằng nguồn vốn Chương trình 135, còn lại toàn là đường đất. Có xóm cách xa trung tâm xã tới 10 cây số. Giao thông đi lại khó khăn đã khiến giá cả các mặt hàng nông sản bị chênh lệch so với giá thị trường rất nhiều. Nếu như giá thịt lợn hơi là 25 nghìn đồng/kg, thì ở Văn Hán chỉ bán được 16 nghìn đồng/kg; giá vải là 2.000 đồng/kg, ở Văn Hán là 500 đồng/kg; giá chè là 60-70 nghìn đồng/kg, ở Văn Hán là 45-55 nghìn đồng/kg… trong khi đó tiền đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu lại cao hơn các địa phương có đường xá đi lại thuận tiện. Nhưng đường giao thông đi lại không thuận lợi cũng chỉ là một trong những nguyên nhân khiến Văn Hán gặp phải những khó khăn trong công tác xóa nghèo bền vững.

 

Năm 2007, số hộ nghèo ở Văn Hán là 1.080 hộ, năm đó xã đã giảm được 74 hộ, nhưng lại có 64 hộ nghèo phát sinh. Năm 2008, số hộ nghèo là 1.070 hộ, giảm được 65 hộ, phát sinh 36 hộ. Chẳng lẽ cứ để tình trạng này kéo dài? Phải bắt đầu từ đâu và như thế nào? Những câu hỏi đó đã khiến cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo nơi đây bao đêm mất ngủ, suy tư. Ngày 12 tháng 5 năm 2009, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã Văn Hán đã đề ra được Phương án số 129 A/PA-BCĐ về việc thực hiện mục tiêu giảm 220 hộ nghèo trong năm 2009; phấn đấu đến năm 2010 giảm 22% số hộ nghèo; xóa hết số hộ nghèo thuộc diện chính sách, người có công; không có hộ tái nghèo. Ban chỉ đạo đã xác định: muốn xóa nghèo phải tìm ra được nguyên nhân của nghèo. Một cuộc điều tra, rà soát được tiến hành trong toàn xã cho thấy: Trong số 1.041hộ nghèo/2365 hộ thì: Thiếu vốn đầu tư cho sản xuất là 739 hộ, chiếm 18%; thiếu kiến thức và kinh nghiệm làm ăn 614 hộ, chiếm 15%; thiếu đất hoặc không có đất canh tác là 413 hộ, chiếm 10%; thiếu lao động chiếm 5%; đông con chiếm 2%; gia đình có người mắc TNXH chiếm 2,1%... Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, xã Văn Hán đã phân chia số hộ nghèo ra làm 2 nhóm: Nhóm 1 gồm những hộ nghèo có các đối tượng đang được hưởng trợ giúp theo Nghị định 67/NĐ-CP (người già cô đơn không nơi nương tựa, gia đình có người tàn tật nặng, người tâm thần…). Nhóm này được Nhà nước tập chung các chính sách trợ giúp là chính, có kết hợp với các chính sách giảm nghèo khác để từng bước ổn định cuộc sống. Nhóm 2 gồm những hộ khó khăn không có khả năng tự thoát nghèo (gồm hộ thiếu vốn, thiếu đất đai, thiếu lao động, thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn…); nhóm này cần tập trung nguồn lực của các chương trình, dự án, chính sách để thoát nghèo bền vững.

 

Gần 2 tỷ đồng tiền vốn vay với lãi suất ưu đãi vừa được giải ngân xuống các hộ nghèo. Ban nông, lâm nghiệp xã tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển giao KHKT lồng ghép với các chương tình, dự án khuyến nông, khuyến lâm và xây dựng các mô hình điểm để nhân diện rộng. Tham mưu cơ chế, chính sách hộ trợ công cụ sản xuất, cây, con giống… cho các hộ nghèo. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ bám sát cơ sở, phối hợp với cán bộ xóm xây dựng phương án khả thi giúp đỡ từng hộ nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung lưng đấu cật hỗ trợ, tiếp sức cho người nghèo, nâng cao nhận thức cho người nghèo để họ chủ động vươn lên trong cuộc sống không nên có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; tuyên tuyền sâu rộng cắch làm hay, sáng tạo, các mô hình làm ăn có hiệu qủa; kết quả giảm nghèo được đưa vào là một trong những tiêu chí bình xét thi đua của xóm, của các tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…

 

Mải say sưa tìm hiểu các phương án, giải pháp giảm nghèo của Văn Hán, chúng tôi quên cả thời gian. Mặt trời đang khuất dần sau đỉnh núi xa xa. Tôi tranh thủ đưa mắt quan sát, ngắm nghía cảnh sắc thanh bình, yên ả ở miền quê nửa đồng nửa núi khi trời chưa kịp tối. Thật đẹp biết bao! Những nếp nhà sàn, nhà ngói, nhà 2 tầng đan xem giữa màu xanh thẫm của lúa, chè và cây rừng. Trên đường làng, những con trâu bụng căng trồn đang lững thững về chuồng. Khói lam chiều lan toả, gợi nhớ biết bao hoài niệm. Những khó khăn ở Văn Hán cũng là những khó khăn chung của nhiều địa phương khác trong tỉnh mà chúng tôi đã có dịp đến tác nghiệp như Nghinh Tường, Sảng Mộc, Liên Minh… (Võ Nhai). Với cách thức mà Văn Hán đang làm, có lẽ cũng sẽ là bài học tốt cho các địa phương tham khảo. Hy vọng lần sau sau trở lại, trong bức tranh về làng quê Văn Hán hôm nay sẽ có thêm những gam màu tươi sáng.