Xóm Toàn Thắng, xã vô Tranh từ lâu đã được người dân huyện Phú Lương biết đến là nơi sản xuất chè không chỉ ngon mà còn an toàn. Điều này cũng đã được khẳng định, xóm đã giành được cả 2 giải Nhất về chất lượng cũng như nghệ thuật pha trà tại Hội thi Văn hóa trà do tỉnh tổ chức tháng 5 vừa qua.
Đến xóm Toàn Thắng khi trời vừa dứt mưa, con đường đất đỏ gồ ghề vốn đã khó nay lại càng khó hơn khiến xe chúng tôi lúc nghiêng, lúc thẳng. Anh Nguyễn Văn Khương, trưởng xóm Toàn Thắng nói như phân bua: Nếu đi vào ngày nắng, các chị sẽ đỡ vất vả hơn. Bên ấm trà nóng hổi, anh kể cho chúng tôi nghe về sự phát triển của cây chè hơn nơi miền quê này. Những năm 1960 của thế kỷ trước, người dân ở các tỉnh Nam Định, Thái Binh, Bắc Ninh đã về đây định cư. Đến năm 1970, gia đình ông Phạm Văn Tý, quê Bắc Ninh lên định cư, đã lấy cây chè từ Cao Bằng về trồng. Là người đầu tiên trồng chè trên mảnh đất này, với diện tích là 3 sào. Khi mẻ chè được sao khô, ông mời bà con, làng xóm những bát nước chè đầu tiên. Thấy hương vị thơm ngon, đậm đà, nhiều hộ dân trong xóm đã đưa cây chè về trồng. Nhờ cây chè mà đời sống của nhân dân đã dần được cải thiện và nâng cao. Đến nay, cây chè đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà con, giúp người dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Đặc biệt, năm 2009, chè Toàn Thắng đã được huyện Phú Lương chọn tham gia Hội thi Văn hoá trà của tỉnh…
Hiện nay, Toàn Thắng có 158 hộ 600 nhân khẩu. 100% hộ dân trong xóm đều trồng chè. Hiện xóm có 64 ha chè, trong đó có 2/3 diện tích là chè trung du, còn lại trồng các giống chè mới như: TRI 777, LPD1, Phúc Vân Tiên, Thuý Ngọc… Bình quân mỗi gia đình có khoảng gần 5 sào chè. Mỗi năm thu nhập của mỗi hộ trồng chè đạt trên dưới 40 triệu đồng. Nhận thức được tầm quan trọng của cây chè trong phát triển kinh tế gia đình, người dân đang nỗ lực xây dựng thương hiệu chè đặc sản của gia đình và thương hiệu chè Toàn Thắng.
Chị Dương Thị Lan, một trong những hộ làm chè nổi tiếng của xóm nói với chúng tôi: Để được một mẻ chè ngon, người làm chè phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỷ mỉ, công phu từ khâu chăm sóc, đến thu hái rồi sao, vò… Khi hái phải đúng kỹ thuật, búp chè có đủ một tôm, hai lá và muốn có hương chè thơm, nước chè xanh thì lửa trong tôn luôn phải giữ ở nhiệt độ ổn định…
Anh Lê Văn Cầu, là người làm chè có tiếng ở xóm, cũng là một trong những gia đình có diện tích chè nhiều nhất nhì nơi đây cho biết: Gia đình tôi có 1 mẫu chè, trong đó có hơn 5 sào chè cành. Tôi nghĩ, muốn tạo được thương hiệu, giữ được uy tín trong kinh doanh thì làm chè sạch chính là một lựa chọn đúng đắn. Mỗi lứa, gia đình tôi thu được khoảng 3 tạ chè khô, với giá bán trung bình 60 nghìn đồng/ kg. Chè làm ra đến đâu, có người đặt mua tới đó. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ chè được trên 90 triệu đồng…
Được biết, mới đây, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Phú Lương cũng đã có Dự án Xây dựng mô hình 20 ha chè sạch tại xóm Toàn Thắng. Ngoài việc chuyển giao KHKT, người dân trong xóm còn được cung cấp phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh cho các hộ dân tham gia mô hình. Đây sẽ là cơ hội cho nhân dân Toàn Thắng phát triển cây chè và khẳng định được thương hiệu. Trở lại với con đường, anh Nguyễn Văn Khương, mang đến cho chúng tôi tin vui: Tháng 9 này, Toàn Thắng sẽ khởi công làm đường với trị giá 1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của Nhà nước là 70%, còn lại do người dân tự nguyện đóng góp. Con đường hoàn thành sẽ giúp việc giao thương hàng hóa của bà con thuận tiện hơn, thương hiệu chè Toàn Thắng sẽ có điều kiện vươn xa, tạo được chỗ đứng như các sản phẩm cùng loại ở Tân Cương hay Thác Dài (Tức Tranh)…