Là huyện vùng cao, đời sống của người dân Võ Nhai còn nhiều khó khăn, kinh tế vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, cùng với cây lúa, cây ngô chè đã và đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Có những hộ đã thực sự thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ cây trồng này.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Vương Thị Hường, xóm Tân Thành, xã Tràng Xá, là một trong những hộ nông dân có thu nhập ổn định từ cây chè. Gia đình chị trồng chè từ năm 2000. Ban đầu chỉ là vài rạch chè trên đồi, thấy có thu nhập, gia đình chị đầu tư mở rộng diện tích, đến nay đã có hơn 2 mẫu cho thu nhập mỗi lứa từ 2,8-3 tạ chè khô. Một năm gia đình chị thu 7-8 lứa chè, mang lại thu nhập chị khoảng 60 triệu đồng.
Với gia đình ông Lý Văn Hùng, xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá đã thoát nghèo mấy năm nay cũng nhờ cây chè. Ông Hùng bảo: Cả xóm hầu như nhà nào cũng trồng chè. Trong đợt tập huấn phòng trừ sâu bệnh cho cây chè ở xã tôi được cán bộ khuyến nông thông báo diện tích chè của Thành Tiến có khoảng 100ha. Gia đình tôi đã trồng chè lâu rồi, lại trồng rải rác nên cũng không nhớ chính xác diện tích chè là bao nhiều, chỉ biết, mỗi năm gia đình thu 8 lứa chè chính, mỗi lứa được khoảng 3 tạ chè khô, mang lại tổng thu nhập khoảng 70 triệu đồng.
Được biết, cả xã có trên 200ha chè và là xã có diện tích chè nhiều nhất huyện. Đồng thời hiện nay, cây chè đã có mặt ở hầu hết các xã trong huyện vì các hộ dân đã thấy được hiệu quả kinh tế mà cây chè mang lại. Điển hình như ở xóm Hạ Sơn Dao (xã Thần Sa) - một xóm trên 90% số dân là đồng bào Dao. Những năm trước đây, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, bà con thường lúng túng chưa biết lựa chọn cây gì để canh tác. Thấy những hộ dân ở Đồng Hỷ làm chè hiệu quả, nhiều người trong xóm đã mạnh dạn đưa cây chè về canh tác trên đồng đất quê mình. Ông Triệu Hữu Chi, Trưởng xóm Hạ Sơn Dao cho biết: Xóm có 64 hộ dân thì có tới 60 nóc nhà đã được ngói hóa, các hộ đều có xe máy, ti vi và mua sắm được các vật dụng khác phục vụ sinh hoạt, số hộ nghèo chỉ còn 20 hộ (vài năm trước đây thường chiếm 50% số hộ của xóm). Tất cả những thứ đó đều do cây chè mang lại. Cả xóm hiện có 40ha chè đang cho thu hoạch và khoảng 5ha chè cành mới được trồng theo dự án phát triển chè cành của tỉnh. Theo đà này, cuộc sống của người dân sẽ dần khấm khá khi diện tích chè trồng mới cho thu hoạch và bà con mở rộng diện tích khi thấy cây chè mang lại hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, cây ngô.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, huyện Võ Nhai cũng đã xác định cây chè là cây trồng được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn hiện nay nên mỗi năm huyện đều có kế hoạch trồng mới từ 45-50ha chè ở tất cả các xã trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng mới bắt đầu trồng chè. Để hoàn thành kế hoạch này, huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp - PTNT là cơ quan chuyên môn thực hiện việc tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích cây chè. Các cán bộ trong Phòng đã chủ động phối hợp với Ban quản lý Dự án chè của tỉnh, các tổ chức đoàn thể mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng và chăm sóc chè, tư vấn, giới thiệu các giống chè mới, phương pháp cải tạo vườn chè cũ cho bà con, hỗ trợ các hộ dân trồng chè về giống, vốn… Đến nay, toàn huyện có trên 600ha chè, trong đó trên 400ha đã thu hoạch, số còn lại mới được trồng, chủ yếu là chè cành và một số giống chè mới có năng suất cao. Tổng sản lượng chè tươi trên địa bàn huyện năm đạt 3.300 tấn, sản lượng chè khô đạt trên 1 nghìn tấn.
Trong kế hoạch, huyện phấn đấu đến năm 2010, sản lượng chè búp tươi đạt 3.800 tấn, đ diện tích chè đạt 800-1.000ha. Theo đánh giá của đồng chí Nông Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện thì đến thời điểm này có thể khẳng định chất lượng chè ở Võ Nhai khá tốt, cây chè có thể là cây trồng chủ lực để góp phần xóa đói giảm nghèo, cùng với lúa và ngô và cây thuốc lá, vì đã có nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa thoát nghèo và có điều kiện đầu tư mở rộng diện tích loại cây trồng này.
Hiện nay, huyện đang khoanh vùng để phát triển cây chè tập trung ở các xã Liên Minh, Tràng Xá, La Hiên. Huyện đã làm việc với một số đơn vị chế biến chè trong tỉnh và nhận thấy các đơn vị cũng rất thiện chí với việc thu mua chè nguyên liệu cho bà con, vì thế việc xây dựng vùng chè nguyên liệu để cung cấp cho các cơ sở chế biến này là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương và sông suối ở xã Liên Minh rất thuận lợi cho phát triển chè đông, huyện đang xây dựng kế hoạch để hỗ trợ bà con trồng chè ở đây xây dựng đập chắn nước để thuận tiện trong bơm tưới cho chè đông. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người trồng chè sử dụng các phương pháp phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc, chế biến tiên tiến để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè ở mức thấp nhất, chất lượng chè được đảm bảo…