Chè an toàn ở Yên Lạc - khó đầu ra

11:16, 21/09/2009

Thành lập từ năm 2004, tuân thủ theo đúng những quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn, đã được Hội Nông dân Việt Nam cấp Giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, nhưng đến nay mô hình sản xuất chè an toàn ở Yên Lạc (Phú Lương) vẫn chưa tìm được đầu ra.

 

Để làm được mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn, người làm chè phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của Dự án IPM, áp dụng “bốn đúng” đó là: Cúp đúng thời vụ, vào khoảng tháng 1 – 2, nếu cúp sớm mà chưa có mưa xuân cây chè sẽ bị khô hạn, nếu cúp muộn cây chè sẽ không có đủ sức chống đỡ với sâu bọ; hái đúng lứa, nếu hái sớm quá sẽ ảnh hưởng đến lứa sau, ngược lại nếu hái già quá chè sẽ bị ban, không cho năng suất; dùng đúng thuốc theo từng loại sâu bệnh và tuân thủ đúng thời gian cách ly đối với thuốc bảo vệ thực vật. Trong khâu chế biến, các gia đình phải đảm bảo hợp vệ sinh, giữ sổ sách ghi chép về tình hình sản xuất. Ngoài ra các hộ gia đình cũng có thể cho các cá nhân, tổ chức tiến hành kiểm tra, giám sát bất cứ lúc nào mà không cần báo trước. Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông huyện, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức, các hộ trong Câu lạc bộ sản xuất chè an toàn đã biết cách sử dụng phân hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, dùng thuốc sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Thế nhưng sản phẩm chè an toàn của Yên Lạc hiện nay vẫn chưa được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Anh Ngô Đức Thiện, chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất, chế biến chè an toàn xã Yên Lạc cho biết: Năm 1997, khi được tham gia tập huấn từ Dự án IPM (Dự án trồng, sản xuất và chế biến chè an toàn do Hà Lan tài trợ), sẵn lòng tâm huyết và yêu cây chè, anh đã tham gia thường xuyên các lớp tập huấn, học hỏi quy trình sản xuất, chế biến chè an toàn với mong muốn được cung cấp sản phẩm chè an toàn đến người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình. Từ năm 1998 anh bắt đầu mày mò làm theo mô hình dự án. Đến năm 2003, anh là người đầu tiên trong xã đồng thời cũng là người đầu tiên trong huyện tiến hành sản xuất và chế biến chè theo mô hình chè an toàn. Nhận thấy được ích lợi của việc sản xuất chè an toàn đối với sức khoẻ của gia đình và người sử dụng, đến nay ở Yên Lạc đã có 30 hộ tham gia mô hình sản xuất chè an toàn với diện tích gần 25 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường tiêu thụ khoảng 40 tấn chè khô. Bản thân gia đình anh đã tự xuống tận Hà Nội quảng bá sản phẩm nhưng nhãn hiệu chè an toàn Yên Lạc vẫn xa lạ với người tiêu dùng.

 

Chị Vũ Thị Hằng, một trong những hộ tham gia sản xuất chè an toàn cho hay: Gia đình hiện có 3.600m2 chè an toàn, chị đầu tư nhiều công chăm sóc để đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật chế biến chè an toàn nhưng sản phẩm chè của gia đình cũng chỉ bán được với giá từ 55 – 65 ngàn đồng/kg. Do không có đầu ra nên các hộ trong Câu lạc bộ sản xuất chè an toàn vẫn sản xuất riêng lẻ và mạnh ai nấy làm.

 

Trao đổi về vấn đề trên, đồng chí Lê Thị Thuý Nguyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lương cho chúng tôi biết: Thời gian qua huyện cũng đã có một số chính sách thu hút các Doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất, chế biến chè an toàn nhưng người dân không đảm bảo được nguồn chè cung cấp cho nhà máy (do nhà máy mua chè của bà con với giá thấp hơn giá thị trường). Chính vì vậy hoạt động của các nhà máy gần như đã đóng cửa, chẳng hạn như nhà máy chè ở xã Phấn Mễ, Tức Tranh. Hơn nữa, huyện cũng chưa có thị trường tiêu thụ chè an toàn ổn định. Vì thế sản phẩm chè an toàn được các hộ chăm sóc và sản xuất, chế biến một cách kỳ công nhưng vẫn bị đánh đồng với chè chợ.

 

Trước thực tế trên chúng tôi mong muốn trong thời gian tới các phòng, ban, ngành chức năng trong huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ phục vụ cho vùng sản xuất chè an toàn trong toàn huyện Phú Lương nói chung và xãYên Lạc nói riêng; khuyến khích chế biến chè an toàn theo công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn, đồng thời có những biện pháp nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè an toàn của huyện ra trong và ngoài tỉnh… Có như vậy sản phẩm chè an toàn mới không bị đánh đồng với loại chè bình thường, người sản xuất mới yên tâm và gắn bó với mô hình sản xuất chè an toàn.