Là một xã miền núi, tỷ lệ đất nông nghiệp chiếm đa số, nên kinh tế của Trung Hội (Định Hóa) chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm qua do trình độ canh tác còn hạn chế, việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng chưa được xem trọng, nên Trung Hội vẫn là một trong những xã khó khăn của huyện.
Để cải thiện điều kiện kinh tế địa phương, Đảng bộ xã Trung Hội đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng trong cả giai đoạn 2005-2010. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết, đã có những thay đổi rõ rệt trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Xác định cây lúa là một trong những cây trồng chủ lực có diện tích đa số, thời gian qua xã Trung Hội đã tập trung cải tạo giống cũ và đưa các giống lúa mới năng suất cao vào trồng trên diện rộng. Đặc biệt, Trung Hội lại là xã nằm trong vùng sản xuất lúa bao thai đặc sản của Định Hóa nên có nhiều thuận lợi về phát triển cây trồng chủ lực này. Năm 2006 là năm đầu tiên xã đẩy mạnh tăng diện tích lúa lai. Cụ thể, tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm của xã là 273ha (lúa xuân là 120ha, lúa mùa là 153ha), trong đó có khoảng 70% diện tích là lúa lai và lúa bao thai đặc sản, nên năng suất lúa đã bước đầu được cải thiện, tăng hơn năm trước từ 2-5 tạ/ha. Kết quả, năm 2006 tổng sản lượng lương thực của xã đạt gần 1.400 tấn, tăng khoảng 12% so với kế hoạch đề ra và tăng hàng chục tấn so với năm 2005. Bước sang năm 2007, xã tiếp tục triển khai nhiệm vụ cải tạo và thay thế dần diện tích lúa thuần (chủ yếu là khang dân 18 năng suất thấp) bằng giống lúa bao thai đặc sản và các giống lúa lai như: TH33, Việt lai 20, Nhị ưu 838....
Ngoài ra, vào vụ lúa xuân, xã đã chọn lọc một số giống lúa thuần nhưng cho năng suất và chất lượng cao là TBR1, Hương thơm số 1 vào trồng đại trà và chuyển toàn bộ các giống lúa lai sang gieo cấy vào vụ mùa theo đúng kỹ thuật nông nghiệp. Nhờ vậy, sản lượng lương thực của xã năm 2007 đã tăng lên xấp xỉ 1.500 tấn. Còn nhớ, vụ xuân năm 2008, do thời tiết khắc nghiệt, rét đậm và hạn hán kéo dài nên toàn xã chỉ gieo cấy 110ha, giảm 10ha so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nhờ biết chuyển dịch cơ cấu giống lúa và tăng cường các biện pháp chăm sóc nên năng suất lúa cả vụ vẫn đạt 58 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước và đạt năng suất kỷ lục của xã từ trước đến nay. Trong vụ xuân năm 2009 này, bà con trong xã gieo cấy được 273ha lúa, năng suất đạt bình quân 55 tạ/ha, sản lượng cũng khoảng 1.500 tấn. Ông Phạm Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hội cho biết: Kế hoạch gieo cấy và cải tạo giống lúa hàng năm đều được đưa vào Nghị quyết của cấp ủy để theo dõi, xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng thôn bản. Ngoài ra, xã còn chỉ đạo việc chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện cho các hộ dân đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng.
Cùng với cây lúa, chè cũng được xem là cây trồng mũi nhọn cho thu nhập cao và ổn định của xã. Từ năm 2005 trở về trước, 100% diện tích chè trên địa bàn xã Trung Hội là chè trung du, già cỗi, năng suất thấp. Nhưng từ những năm sau đó, do tư duy canh tác thay đổi, nhiều diện tích chè cũ của xã đã được cải tạo và trồng thay thế bằng các giống chè mới. Năm 2006 diện tích chè kinh doanh của xã là 172ha, trong đó chè cải tạo là 20ha, chè trồng mới (chè cành) là 1,2ha, vượt 20% so với kế hoạch đề ra. Các giống chè cành được bà con nông dân đưa vào trồng là: PH1, LDP1, Phúc Vân Tiên. Đây là các giống chè cho năng suất cao, lớn nhanh, khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết tốt. Sau một năm thực hiện, năng suất chè toàn xã đã ở mức 65 tạ/ha, cao hơn các năm trước 4-6 tạ/ha. Năm 2007, bà con nông dân trong xã tiếp tục tập trung tăng diện tích chè trồng mới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Diện tích chè kinh doanh của xã đã tăng lên 175ha, năng suất đạt 69 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so với năm trước. Xã cũng đã trồng thêm được 1,36ha chè cành các loại, vượt 36% so với kế hoạch đề ra. Từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ chè giống mới của xã đã tăng lên đáng kể, khoảng 10ha. Nếu năm 2005, tổng diện tích chè trên địa bàn xã Trung Hội mới chỉ là 90ha thì đến nay diện tích này đã tăng lên gấp đôi, vượt khoảng 8ha so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XV, nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra.
Sau lúa và chè, người nông dân trong xã giờ đã quan tâm hơn đến kinh tế rừng. Trước đây, Trung Hội chủ yếu là rừng tái sinh, vườn tạp và đất đồi trống chiếm tỷ lệ cao. Nhưng những năm gần đây, phong trào trồng cây nhân dân, trồng rừng theo Dự án 661 do huyện phát động đã được triển khai trong toàn xã. Trong hai năm 2006, 2007, Trung Hội đã trồng mới được 13 nghìn cây lâm nghiệp các loại (tương đương khoảng 27ha), vượt 35% kế hoạch đề ra. Từ năm 2008 đến nay, xã cũng đã trồng thêm được trên 40ha. Nhiều hộ dân đã nhận khoán hàng chục hécta rừng và đăng ký trồng mới hàng nghìn cây lâm nghiệp mỗi năm. Điều đáng nói là, các giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: keo lai, trám, mỡ, lát đã dần được đưa vào trồng tại các khu vực rừng lau lách, rừng tái sinh và rừng trồng kém hiệu quả. Để có được những chuyển biến trên, hàng năm chính quyền xã phải lên kế hoạch khai thác triệt để các nguồn từ Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, Chương trình trồng thay thế rừng kém hiệu quả. Cùng với đó, xã có cơ chế khuyến khích các hộ dân tự xây dựng vườn ươm để chủ động cây giống...
Có thể nói, nhờ chuyển dịch kịp thời, hiệu quả các loại giống cây trồng trên địa bàn nên những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp của xã Trung Hội đã được cải thiện rõ rệt. Đây được xem là bước chuyển quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của xã miền núi còn nhiều khó khăn này.