Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lên ngôi

09:52, 30/09/2009

Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có về nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn Thái Nguyên đang nỗ lực vươn lên nắm bắt cơ hội, từng bước đầu tư nâng dần công suất, mở rộng thị trường, góp phần tăng tỷ trọng phát triển của ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Nếu năm 2000, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành này mới đạt khoảng 202 tỷ đồng thì năm 2005 đã là 854 tỷ đồng và năm 2008 đạt ở mức cao nhất, trên 1.380 tỷ đồng. 9 tháng qua, giá trị sản xuất VLXD của tỉnh cũng đã đạt trên dưới 1.000 tỷ đồng. Nếu xét về cơ cấu của cả ngành công nghiệp nói chung thì công nghiệp sản xuất VLXD cũng chiếm tỷ lệ khá cao (năm 2000 chiếm khoảng 8,75%, năm 2008 chiếm gần 16%). Trong tổng số 10 nhóm ngành công nghiệp thì công nghiệp sản xuất VLXD chỉ đứng sau công nghiệp sản xuất kim loại (trên 34%), công nghiệp cơ khí và gia công kim loại (trên 18%).

 

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.800 cơ sở sản xuất VLXD và khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD, chiếm khoảng 16% tổng số các cơ sở sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Trong đó, phải kể đến một số cơ sở sản xuất lớn như: Nhà máy xi măng Thái Nguyên, công suất 1,5 triệu tấn/năm; các Nhà máy xi măng La Hiên, xi măng Cao Ngạn, xi măng Núi Voi, xi măng Lưu Xá cũng có công suất hàng triệu tấn/năm; Nhà máy sản xuất gạch Ceramic Phổ Yên công suất 12 triệu m2/năm; Nhà máy gạch ốp lát Việt - Ý, công suất 2 triệu m2/năm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục đơn vị sản xuất gạch tuynen, tấm lợp amiăng, kết cấu bê tông  có công suất lớn. Cùng với đó là hàng trăm cơ sở khai thác cát, sỏi, đá xây dựng, sản xuất gạch nung, không nung, đá ốp lát, gốm sứ…

 

Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất công nghiệp là một trong những doanh nghiệp có bề dày truyền thống và thế mạnh về sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng, đạt khoảng 80% kế hoạch đề ra. Các sản phẩm chính Công ty tiêu thụ trong 9 tháng qua là tấm lợp phibrôximăng khoảng 10 triệu m2, xi măng poóclăng trên 100 nghìn tấn, gạch ceramic khoảng 300 nghìn m2, bê tông đúc sẵn gần 10 nghìn m3. Theo ông Trương Ngọc Thuỷ, Phó tổng Giám đốc Công ty thì hầu hết các sản phẩm sản xuất ra đều được thị trường chấp nhận và tiêu thụ dễ dàng, đặc biệt là các sản phẩm tấm lợp, xi măng, kết cấu bê tông. Công ty đang triển khai thực hiện 6 dự án mới với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng nhằm tăng công suất sản xuất các mặt hàng VLXD trong thời gian tới.

 

Cũng là đơn vị sản xuất VLXD có uy tín nhiều năm nay, Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn đang sản xuất và tiêu thụ sản lượng lớn các sản phẩm xi măng, bột xây dựng và gạch silicat. Từ đầu năm đến nay, Công ty này đã sản xuất và tung ra thị trường khoảng 70 nghìn tấn xi măng PCB40 và PCB25, trên 400 tấn bột xây dựng và khoảng 30 nghìn viên gạch silicat, đạt giá trị sản xuất trên 45 tỷ đồng. Các sản phẩm của Công ty, nhất là xi măng nhãn hiệu Cao Ngạn đang được thị trường miền Bắc ưa chuộng, tin dùng. Không chỉ phục vụ các công trình xây dựng dân dụng, sản phẩm xi măng của doanh nghiệp còn phục vụ nhiều công trình lớn, đồi hỏi độ bền cao của Nhà nước.

 

Là đơn vị thích ứng nhanh với thị trường thông qua các sản phẩm đặc trưng, mấy năm gần đây Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên đã vượt qua khó khăn để trụ vững sau một thời gian đứng bên bờ vực phá sản. Sản phẩm chính của Công ty là các loại cột điện li tâm, ống cống và bê tông tươi. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã đạt giá trị sản xuất trên 38 tỷ đồng, với tổng khối lượng các loại sản phẩm quy đổi khoảng 36 nghìn m3. Trong đó, cột điện bê tông li tâm khoảng 9 nghìn cột, ống cống trên 3 nghìn cái và khoảng 30 nghìn m3 bê tông tươi. Theo ông Dương Đình Tập, Tổng Giám đốc Công ty thì so với những năm trước, giai đoạn này mức độ sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm phục vụ xây dựng của đơn vị tăng lên đáng kể. Doanh nghiệp đang tập trung cao độ sản xuất hết công suất để chủ động các sản phẩm phục vụ "mùa xây dựng" năm nay.

 

Điểm qua một vài đơn vị sản xuất VLXD trên địa bàn cũng đủ thấy tính hấp dẫn và sự "ăn nên làm ra" của ngành công nghiệp mũi nhọn này. Theo các nhà phân tích kinh tế thì trong thời gian tới ngành công nghiệp này sẽ phát triển rất nhanh do địa phương có các điều kiện thuận lợi về quy mô thị trường và nguồn nguyên liệu phong phú. Dự báo đến năm 2010, nhu cầu về các loại VLXD của Thái Nguyên và của các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc là khoảng 3,7 triệu tấn xi măng, 1,3 tỷ viên gạch, 3 triệu m3 đá xây dựng, 12 triệu m3 gạch ốp lát... Tỉnh  cũng đang sở hữu nhiều mỏ đá vôi phục vụ sản xuất xi măng với trữ lượng khoảng 200 triệu tấn và các loại đá dùng để ốp lát có độ nguyên khối lớn, trữ lượng 35 triệu tấn; các loại sét xi măng trữ lượng 60 triệu tấn, sét gạch ngói trữ lượng 36,2 triệu m3 và các loại cuội, cát, sỏi xây dựng có ở nhiều nơi đặc biệt là ở các bãi bồi và thềm sông Cầu…

 

Cũng theo các nhà phân tích, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương đòi hỏi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư hơn nữa nhằm cải tiến công nghệ sản xuất VLXD. Cần thiết phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, tránh các thiết bị đã qua sử dụng nhằm bảo vệ môi trường. Nếu là sản xuất xi măng thì nên đầu tư theo công nghệ lò quay, sản xuất gạch nung theo công nghệ lò tuynen, sản xuất tấm lợp phibrôximăng không dùng amiăng… Theo nhận định, trong năm 2010 và những năm tiếp theo, tại các khu, cụm công nghiệp sẽ hình thành các dự án đầu tư sản xuất 6 loại sản phẩm VLXD chủ đạo là gạch nung, không nung, đá ốp lát, tấm lợp sinh thái, xi măng, gạch lát nền, gốm sứ với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 6.700 tỷ đồng.