Đa số các mặt hàng do Việt Nam sản xuất vẫn được người Việt Nam chấp nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó có những mặt hàng ngoại nhập cũng không ít người mua. Cuộc vận động "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" sẽ được nhiều người dân hưởng ứng nếu nhà sản xuất tìm được tiếng nói chung từ người tiêu dùng.
Để tìm hiểu chủ trương "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", tôi thử dạo quanh một số cửa hàng, từ siêu thị "mặt đất" (khu vực cổng trường Đại học Sư phạm) đến một vài cửa hàng, siêu thị lớn. Điều dễ nhận thấy là, các cửa hàng, siêu thị đa số đều bày bán hàng Việt Nam là chủ yếu (chiếm đến 80% số mặt hàng). Tiếp theo là một số hàng hóa của Trung Quốc và một số nước khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, tùy từng mặt hàng nên người mua hàng đã có sự lựa chọn khác nhau. Điểm chung của hàng hóa Việt Nam là cũng rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đảm bảo chất lượng, tuy giá có cao hơn so với một số mặt hàng cùng loại của Trung Quốc. Còn một số hàng hóa của nước ngoài (ví dụ như Thái Lan, Hàn Quốc) chất lượng tốt, giá cao, mẫu mã đẹp nhưng giá rất đắt, chỉ phù hợp với những người có thu nhập cao. Khách mua hàng cũng phân chia thành hai loại: Người nhiều tiền thì có xu hướng tìm đến các Shop quần áo, đồ dùng đắt tiền (nhưng số này không nhiều). Người ít tiền thường quan tâm đến giá cả có phù hợp với mình hay không và mẫu mã tạm "bắt mắt" là được.
Chị Nguyễn Thị Huệ, người bán hàng thường xuyên ở chợ Trung tâm thành phố Thái Nguyên cho biết: Hàng hóa của cửa hàng chủ yếu là đồ hóa mỹ phẩm, hàng công nghệ phẩm. Những mặt hàng bán chạy được người Việt Nam ưa chuộng mua nhiều là các loại khăn mặt bông; tất; chăn, ga, gối đệm, áo may ô, của các hãng sản xuất có tiếng của Việt Nam như: Công ty cổ phần may Sơn Việt; Công ty Thời trang Hanosimex; Công ty may Sông Hồng, Dệt may Đông Xuân Hà Nội. Các mặt hàng hóa mỹ phẩm của Việt Nam rất ít, chủ yếu là cửa hàng bán hàng liên doanh cho các hãng nổi tiếng như PON, Olay hay một số mặt hàng sản xuất trong nước như: hóa mỹ phẩm của Sài Gòn (nước hoa, sữa rửa mặt), kem dưỡng da Aihao, Thanh Nga. Tuy nhiên người tiêu dùng không mua nhiều bằng các hãng nổi tiếng của nước ngoài như các loại kem dưỡng da: Tenamyd của Canada; phấn các loại của Hàn Quốc, Nhật Bản. Riêng hàng hóa mỹ phẩm, người tiêu dùng thường thích hàng nhập ngoại. Những mặt hàng này giá không rẻ, có thể từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng một bộ nhưng chị, em vẫn thích do đảm bảo chất lượng, đánh mịn da.
Đối với hàng sành sứ, thủy tinh, chị Nguyễn Anh Đào, kinh doanh ở chợ Thái cũng cho biết có rất nhiều chủng loại: Từ hàng Việt Nam đến Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Trung Quốc. Đối với các mặt hàng sành sứ của Việt Nam cũng không hề rẻ và rất đẹp. Ví dụ, các loại bát, đĩa, âu đựng cơm, canh bằng sứ của Công ty gốm sứ Minh Long, mẫu mã đẹp hơn cả các bộ cùng loại của Trung Quốc nhưng giá không hề rẻ: 1 âu đựng cơm cũng từ 105 nghìn đến 155 nghìn đồng; 1 đĩa đựng thức ăn từ 30 nghìn đến 35 nghìn đồng nhưng cũng do thị hiếu của từng loại khách, người thích dùng hàng Việt Nam, người thích dùng hàng Trung Quốc, người thích dùng hàng của Tiệp. Song, xu hướng thì đa số đã quay về với hàng Việt Nam do hàng đã đáp ứng được cả mẫu mã, chất lượng, còn giá cả có thể không chênh nhau là mấy.
Đến một số cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn, Chị Hoàng Thị Nga chuyên kinh doanh quần áo ở đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên cho biết: Người tiêu dùng thường thích dùng hàng của Trung Quốc nhiều hơn do mẫu mã đẹp, chất lượng ngang nhau; giá rẻ hơn. Ví dụ một chiếc quần bò của hàng Sài Gòn may có giá nhập vào là 170 nghìn đồng/chiếc, bán ra là 200 nghìn đồng, nhưng ít người mua vì may không đẹp bằng quần bò Trung Quốc. Trong khi đó giá một chiếc quần bò Trung Quốc nhập vào chỉ cáo 150 nghìn đồng/chiếc, bán ra 180 nghìn đồng nhưng khách rất thích mua vì may đẹp hơn nhiều.
Qua một vài cửa hàng, chúng tôi có thể đưa ra nhận xét rằng: đa số các mặt hàng do Việt Nam sản xuất vẫn được người Việt Nam chấp nhận mua là chủ yếu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải công nhận rằng, có những mặt hàng như đồ chơi trẻ em, chăn ga gối đệm, chiếu nhựa, thảm trải, đồ điện, quần áo, giày, dép trẻ em của Trung Quốc được bày bán khá nhiều và cũng không ít người mua với lý do là rẻ, mẫu mã đẹp, phù hợp với "túi tiền" của đa số người có thu nhập không cao. Điều này, cho thấy, các nhà sản xuất trong nước cũng cần phải cố gắng rất nhiều để nắm bắt được thị hiếu, thu nhập của người tiêu dùng để đưa ra chiến lược sản xuất hàng hóa phù hợp. Trong đó yếu tố giá vẫn là hàng đầu, sau đó là chất lượng hàng hóa. Cuộc vận động"người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" sẽ được nhiều người dân chấp nhận nếu như nhà sản xuất Việt Nam tìm được tiếng nói chung từ người tiêu dùng Việt Nam.