Đồng loạt khai thác quặng ở ba điểm mỏ

08:50, 06/09/2009

Sau nhiều năm làm các thủ tục và đã được các cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ, đến sáng ngày 4/9/2009, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đã đồng loạt ra quân khai thác quặng sắt, mangan ở ba điểm mỏ trên địa bàn tỉnh: Mỏ sắt Đuổm, Phố Giá (Phú Lương) và Mỏ sắt Ký Phú (Đại Từ) để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của Nhà máy Hợp kim sắt Nam Hòa (Đồng Hỷ).

 

Theo các nhà chuyên môn đánh giá đây là ba điểm mỏ có trữ lượng quặng nhỏ, hàm lượng quặng sắt thấp, nên cần phải được đầu tư công nghệ khai thác và chế biến tiên tiến, thì mới nâng cao hàm lượng và đem lại hiệu quả kinh tế. Với năng lực về khai thác khoáng sản trong nhiều năm, cộng với đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đã mạnh dạn đầu tư vào khai thác, chế biến khoáng sản ở ba điểm mỏ trên. Để phục vụ việc khai thác, chế biến, HTX đã đầu tư trên 30 tỷ đồng trang bị hàng loạt máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy xúc Komatstu, Sumimoto và ô tô tải hạng nặng của Hàn Quốc, Nhật Bản; các thiết bị tuyển khoáng tiên tiến như tuyển từ, tuyển trọng lực, tuyển khô của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để phục vụ khai thác, chế biến tận thu triệt để nguồn tài nguyên.

 

Được biết, trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để có thể khai thác được sản phẩm, HTX đã được các cấp, ngành liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở ba điểm mỏ đều suôn sẻ, không có hộ dân nào khiếu kiện, thắc mắc, tất cả đều được bồi thường thoả đáng, đúng quy định. Đến nay, toàn bộ diện tích của ba điểm mỏ các hộ dân đều đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, với tổng chi phí đền bù trên 30 tỷ đồng.

 

Anh Đinh Huy Chiến, Chủ nhiệm HTX phấn khởi cho biết: "Sau nhiều năm đầu tư sản xuất, kinh doanh ở các tỉnh lân cận, đến nay, HTX nhận thấy Thái Nguyên có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nên Ban quản trị HTX đã quyết định đầu tư về Thái Nguyên. Không chỉ đầu tư sâu vào khai thác, chế biến khoáng sản, chúng tôi còn đầu tư nhiều lĩnh vực khác như: xây dựng địa điểm làm thủ tục Hải quan ngoài cửa khẩu tại phường Cải Đan (T.X Sông Công), xây dựng bến cảng đường thuỷ Đa Phúc (Phổ Yên), đặc biệt là xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp thu hút đầu tư vào tỉnh. Việc đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản ở ba điểm mỏ này sẽ góp phần quan trọng để HTX có nguồn nguyên liệu phục vụ luyện kim; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 200 lao động, trong đó chủ yếu là lao động địa phương; đóng góp đáng kể nguồn ngân sách cho Nhà nước… Hơn thế, việc đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là khoáng sản nghèo sẽ giúp tỉnh bảo vệ, giữ gìn và nâng cao giá trị nguồn tài nguyên quốc gia. Các sản phẩm được khai, tuyển rửa gồm quặng sắt phục vụ luyện kim, các sản phẩm có hàm lượng quặng sắt thấp sẽ được HTX cung cấp cho các nhà máy sản xuất xi măng trong vào ngoài tỉnh làm chất phụ gia. Tuy nhiên, do trữ lượng quặng ở ba điểm mỏ trên nhỏ, nên theo tính toán thì lượng quặng khai thác được cũng chỉ đủ phục vụ nhà máy hợp kim sắt có công suất 200.000 tấn sản phẩm thép chế tạo và phôi thép/năm trong vòng hơn 2 năm. Để đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ luyện kim, chúng tôi rất mong các cấp, ngành tiếp tục tạo điều kiện để HTX có thêm các điểm mỏ sắt mới."

 

Từ việc mạnh dạn đầu tư, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đã mở ra hướng phát triển bền vững, đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, đồng thời góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.