Giá thép trên thị trường từ nay đến cuối năm tiếp tục tăng vì giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ còn nhiều khả năng tăng.
Nhận định trên được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra tại buổi họp về xây dựng kế hoạch năm 2010 và kế hoạch ngành thép giai đoạn từ 2011 – 2015, sáng 4/9.
Theo báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất tiêu thụ thép năm 2009 và dự kiến kế hoạch năm 2010 của VSA, giá thép từ nay đến cuối năm tiếp tục tăng nhưng sẽ không tăng đột biến.
VSA phân tích, tháng 1 và tháng 2/2009, thép trên thị trường tiêu thụ rất kém, giá thép xây dựng giảm mạnh, giảm tới mức thấp hơn giá thành, hầu hết các doanh nghiệp đều lỗ, nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, thậm chí một số doanh nghiệp phải dùng biện pháp sản xuất gián đoạn hoặc ngừng sản xuất hàng tháng để cầm chừng, tồn tại.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2009, thị trường thép đã có những chuyển biến tích cực nhờ những biện pháp kích cầu của Chính phủ. Vì thế, đến hết tháng 7/2009, mức tiêu thụ thép xây dựng đã tăng gần 10% so với 7 tháng cùng kỳ năm 2008. Giá thép từ đầu tháng 8/2009 đã tăng dần lên từ 10,8 triệu đồng lên 11,49 triệu đồng/tấn.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho rằng, thành công lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại là chưa có cơ sở sản xuất thép nào phải đóng cửa sản xuất hoặc phá sản; một số công ty vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất như Thép Việt, Hòa Phát, VnSteel... Ngành thép năm 2009 sẽ duy trì mức tăng trưởng khá so với năm 2008.
Còn việc các doanh nghiệp sản xuất thép tăng giá bán thép trong thời gian qua theo ông Cường, là phù hợp với diễn biến của thị trường vì giá phôi thép, thép phế nhập khẩu đã tăng thêm 120- 130 USD/tấn, giá nhiên liệu như điện, xăng dầu, than đều tăng, tiền lương công nhân tăng và thuế phôi nhập khẩu cũng tăng từ 5- 8%...
Theo nhận định của VSA, dự kiến năm 2010, ngành thép tiếp tục có sự tăng trưởng do tác động của các biện pháp kích cầu của Chính phủ trong năm 2009. Sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng và các sản phẩm thép khác tăng từ 10- 12% so với năm 2009. Dự kiến cung ứng phôi thép vuông cho sản xuất thép xây dựng trong nước đáp ứng khoảng 60% nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, ngành thép cũng phải đứng trước nhiều khó khăn mới như giá nguyên liệu cơ bản: quặng, than, dầu, phôi thép, thép phế, và một số loại nguyên liệu khác nhiều khả năng cao hơn năm 2009.
Đồng thời, năm 2010, nhiều dựa án mới về thép đi vào sản xuất càng làm tăng sự mất cân đối giữa nguồn cung và mức tiêu thụ trên thị trường, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp, nhất là với các sản phẩm thép xây dựng, cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại…