Chúng tôi đến xã Phúc Lương (Đại Từ) vào một ngày đầu tháng 9. Hai bên đường lúa đương thời con gái, thấp thoáng nhà sàn ẩn mình dưới những tán cây ven đồi. Không nhiều xe cội, không quán ồn ào, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn giữ được vẻ yên bình. Nhưng đằng sau vẻ bình yên đó người dân Phúc Lương vẫn đang phải vật lộn với đói nghèo.
Tiếp chuyện chúng tôi, đồng chí Tống Đức Tỵ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện Phúc Lương có 1.020 hộ với 4.536 nhân khẩu, trong đó số hộ khá giả chỉ chiếm 26,3%, số hộ nghèo chiếm tới 51% và 22,7% là số hộ cận nghèo. Trước thực tế đó, Đảng bộ xã đã đề ra những giải pháp nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế, thể hiện trong nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 21 nhiệm kỳ 2006 – 2010, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung phát triển mạnh kinh tế đồi rừng với cây mũi nhọn là cây chè. Hiện tổng diện tích chè toàn xã là 240 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 70tạ/ha. Mỗi năm xã chỉ đạo tiến hành trồng thêm 4 ha, chủ yếu là giống chè cành LDP1, TRI 777. Ngoài ra xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triền nông thôn, Trung tâm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh cây trồng, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi… ở 17/17 xóm với 728 lượt người tham dự.
Phúc Lương là xã khó khăn được hưởng các Chương trình 134, 135 của Chính phủ. Từ năm 2006 đến năm 2008 xã đã có 60 hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ làm nhà ở, 19 hộ nghèo được hỗ trợ làm chuồng trại, 62 hộ nghèo được hỗ trợ về giếng nước sinh hoạt với tổng số tiền được hỗ trợ trên 400 triệu đồng. Các hộ nghèo trong xã cũng được hỗ trợ mua tôn quay, máy vò chè, máy bơm nước, bộ chế biến chè với tổng số tiền hơn 100 triệu, và gần 200 triệu hỗ trợ cho các hộ nghèo mua lợn nái sinh sản, bò sinh sản, chè cành, phân bón và tập huấn khoa học kỹ thuật. Việc đầu tư của Nhà nước vào các công trình xây dựng, hỗ trợ phát triển sản xuất đều phát huy được hiệu quả, đã tạo điều kiện cho việc giao lưu, vận chuyển hàng hoá, nông - lâm sản, vật liệu xây dựng được thuận tiện hơn. Mặc dù vậy, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 51%), kinh tế hàng hoá chưa phát triển mạnh, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 2,5 - 3 triệu đồng/người/năm.
Tìm hiểu những khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở Phúc Lương chúng tôi thấy: Đa số diện tích đất nông nghiệp của xã chưa chủ động được nước tưới tiêu. Vào mùa khô diện tích đất trồng chè của bà con không có nước tưới nên không cho thu nhập. Hơn nữa, hệ thống kênh mương nội đồng còn manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất. Hiện Phúc Lương mới chỉ có hơn 4km kênh mương bê tông, còn hơn 20 km kênh đất chưa được xây dựng. Diện tích đất lúa 2 vụ chỉ có 173 ha trong tổng số gần 300 ha đất nông nghiệp. Mặt khác, là xã vùng sâu vùng xa, nên việc giao lưu, buôn bán hàng hoá thường bị các tư thương ép giá. Đơn cử, giá 1kg chè ở các xã bên ngoài như Phú Lạc, Phú Thịnh tại thời điểm hiện tại là 35 - 50.000 đồng/kg, trong khi ở đây bà con chỉ bán được với giá 25 - 35.000 đồng/kg.
Đồng chí Dương Công Lý, Bí thư Đảng uỷ xã cho chúng tôi biết: Trước đây, việc giao lưu kinh tế - xã hội giữa Phúc Lương với các xã lân cận gặp nhiều khó khăn do giao thông đi lại không thuận lợi. Từ năm 2003 được Nhà nước đầu tư xây dựng nên đường xá đi lại thuận tiện hơn. Nhưng do diện tích đất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, phong tục tập quán làm ăn nhỏ lẻ, tự túc, tự cấp của bà con cộng với kiến thức về khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất lao động chưa cao (năng suất lúa đạt 55,23 tạ/ha, năng suất ngô đạt 45 tạ/ha). Cùng với đó, giá nông sản không ổn định, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã gây khó khăn cho sản xuất của nông dân...
Chúng tôi vào thăm nhà chị Mã Thị Nguyên, 33 tuổi ở xóm Bác Máng, một trong những hộ nghèo đã được hỗ trợ 1 con lợn nái sinh sản theo Chương trình 135 của Chính phủ. Chị Nguyên tâm sự: Nhà có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 4 sào ruộng với năng suất trung bình 1,5 tạ/sào và 2 sào chè cho thu nhập khoảng 600 ngàn đồng/tháng, ngoài ra chẳng có thu nhập gì thêm. Mấy năm nay gia đình chị vẫn nằm trong diện nghèo của xã. Cuối năm 2008 gia đình chị được hỗ trợ 1 con lợn nái, nhưng do chưa biết cách chăm sóc nên lứa lợn đầu chị nuôi bị chết do nhiễm bệnh, nuôi không có lãi. Đến nay thì lợn nái của gia đình chị đã cho 3 lứa lợn con, nhưng trừ chi phí về thuốc, cám đi thì chẳng còn được lãi đồng nào.
Qua tìm hiểu mới thấy hết được những khó khăn của cán bộ nơi đây trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Việc thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc ở Phúc Lương không phải là việc một sớm, một chiều, mà cần thiết phải có sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư các chương trình, dự án nhằm nâng cao dân trí cho bà con nơi đây; sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ trong việc tuyên truyền vận động nhân dân từ bỏ những thói quen sản xuất cũ, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa giống cây, con mới vào sản xuất...