Tốn ít thời gian và công sức, diện tích xây chuồng cũng như kinh phí đầu tư không nhiều, trong khi hiệu quả kinh tế lại khá cao, phù hợp với mọi lứa tuổi… đó là những đặc điểm thuận lợi cơ bản của việc nuôi nhím và hươu mà ông Đoàn Công Nhuận, xóm Lương Thái, xã Lương Phú (Phú Bình) đúc rút được sau gần 5 năm "thực tế".
Ông Nhuận tâm sự: Nghỉ hưu được 4 năm, qua những người bạn, tôi biết được việc nuôi hươiu, nhím không chỉ cho thu nhập cao mà còn phù hợp với tuổi già nên đã mạnh dạn đầu tư gần 30 triệu đồng để mua 3 cặp nhím và 2 con hươu giống. Chỉ sau 6 tháng, cặp nhím đầu tiên đã sinh sản được 4 con nhím con; hơn 1 năm sau, 2 cặp nhím còn lại cũng cho "thu hoạch" thêm 4 con. Giữ lại 2 cặp, số còn lại tôi bán giống được hơn 10 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, một cặp nhím trưởng thành sinh sản 2 lần, mỗi lần được từ 1-4 con, thường là 2 con. Đến nay, tôi đã bán hơn chục cặp nhím, cho thu nhập 220 triệu đồng. Ông chia sẻ: Nhím là con vật "dễ tính", ăn tạp, thức ăn dễ kiếm, chỉ là những loại rau, củ, quả như: chuối, hồng các loại, sung, bưởi, mướp, khế, doi, rau lang, cỏ… lại ít dịch bệnh, sức đề kháng cao. Tuy nhiên, chuồng nuôi nhím luôn phải đảm bảo sạch sẽ. Trung bình mỗi chuồng nuôi rộng từ 1,2-1,5m2. Theo cơ chế tự nhiên, nhím thường ngủ buổi sáng, do đó, chuồng nuôi cần được đặt ở vị trí yên tĩnh, thoáng khí.
Ngày nào cũng thế, ông Nhuận thường vệ sinh chuồng nhím vào buổi sáng và không cho ăn gì để nhím ngủ yên giấc. Đến trưa, ông cho mỗi con một ít quả và rau; 5-6 giờ chiều cho ăn bữa thứ 2 và đến 9 giờ tối cho ăn một thìa ngô. Trung bình mỗi ngày, trọng lượng thức ăn cho 1 con nhím trưởng thành khoảng 0,5kg. Không nên cho thức ăn quá nhiều vào chuồng vì như vậy sẽ lãng phí và làm bẩn chuồng. Trong các loại thức ăn của nhím, ông Nhuận chỉ mất tiền mua ngô, còn lại các loại quả, ông tận dụng từ vườn cây của gia đình và xin của hàng xóm các loại quả sâu, rụng như: doi, bưởi, lá ngô, lúa, cỏ… "Sản phẩm" của ông làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hầu hết khách hàng của ông là người ngoài tỉnh và thường phải gọi điện, đặt trước. Tại sao người mua biết để gọi điện? Tôi hỏi. Đó là nhờ một người bạn của tôi làm ở Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa tên và địa chỉ của tôi vào trang web của Bộ. Ông cười vui vẻ: Thông tin đại chúng quả nhiên có sức mạnh rất lớn. Ông cho biết thêm: Nhím đắt hàng và được nhiều người tìm mua là vì hầu hết các bộ phận của nó đều có thể làm thuốc chữa bệnh. Từ lông, da, thịt đến dạ dầy…
Một kinh nghiệm được ông Nhuận rút ra trong quá trình chăn nuôi đó là không nên cho nhím ăn nhiều quả chua, vì như thế sẽ dễ bị hỏng đường ruột. Trong trường hợp nhím đi phân ướt thì thức ăn phải là những quả chát như ổi, hồng xiêm mà không cần phải dùng bất kỳ loại thuốc nào. Chỉ nên cho nhím ăn nhiều chất béo khi nhím còn nhỏ. Đến lúc chuẩn bị phối giống thì nên cho ăn bình thường để không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản. Hiện nay, giá mỗi cặp nhím trên dưới 3 tháng tuổi rao động trên dưới 10 triệu đồng, thấp hơn so với năm 2008 từ 2-3 triệu đồng nhưng người nuôi vẫn có lãi cao. Theo ông Nhuận, so với nhiều loại vật nuôi khác, nhím là con vật người nông dân nên lựa chọn.
Ngoài nhím, năm 2006, ông Nhuận còn nuôi 2 con hươu. Sau hơn 4 năm, ông đã được cắt nhung của mỗi con 4 lần. Trung bình mỗi lần, 2 bộ nhung hươu ông bán được từ 17-20 triệu đồng. Thức ăn và công sức chăm sóc hươu cũng đơn giản như nuôi nhím.
Con đường làm giàu ít ai giống ai. Chúng tôi chỉ nêu ra đây trường hợp cụ thể của ông Đoàn Công Nhuận để người đọc có thể tham khảo. Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh và sở thích của mỗi người có thể lựa chọn, làm theo.