Làm giàu từ cây quất

13:46, 23/09/2009

Căn nhà 2 tầng khang trang, thoáng đãng của ông Phạm Văn Nghiệp, tổ 10, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) nằm giữa đồi quất bạt ngàn xanh tươi. Nhờ đồi cây quất này cuộc sống của gia đình ông khấm khá hẳn lên, bà con quanh vùng nhiều người đến nhà ông học cách trồng quất.

 

Gia đình ông Nghiệp có trên 10 sào đất đồi vườn, trước đây do không biết cách tận dụng quỹ đất để phát triển kinh tế nên diện tích này bị bỏ hoang. Hơn 10 năm đi làm thuê, vất vả chỉ đủ ăn, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông hạ quyết tâm phải làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình. Năm 1995, ông mua trên 50 gốc vải về trồng. Lứa đầu tiên, ông thu được trên 5 triệu đồng. Nhưng đến năm thứ hai, vải rớt giá xuống còn 500 đồng/kg. Năm 1997, ông được người quen giới thiệu vào xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên lấy giống quất về trồng. Ban đầu, ông mua hơn 100 gốc về trồng xen với vải. Thấy hiệu quả, năm 2000, ông Nghiệp chặt hết vải để trồng quất. Từ diện tích quất này, mỗi năm gia đình ông thu 2 lứa, mỗi lứa khoảng 6 tấn, trừ chi phí cũng cho thu lãi trên 20 triệu đồng.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quất trĩu quả đã bắt đầu cho thu hoạch, ông Nghiệp vừa nhanh tay hái những quả quất mọng nước vừa tâm sự: Người trồng quất giờ không phải lo khâu tiêu thụ, chủ yếu là lái buôn tìm vào tận nhà thu mua. Năm nay, chúng tôi sẽ thắng to bởi giá quất quả hiện là 12.000 đồng/kg tăng từ 3.000 đồng/kg so với năm 2008,. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được khoảng 40 triệu đồng, hiện nay mới bắt đầu vào vụ thu thứ hai, dự kiến năm nay sẽ thu khoảng trên 80 triệu đồng.

 

Từ ngày gia đình ông Nghiệp chuyển sang trồng quất, bà con quanh vùng thường lui tới để học tập kinh nghiệm. Với ai, ông Nghiệp cũng vui vẻ chia sẻ những kinh nghiệm tích luỹ được, thậm chí còn cho không quất giống. Đến nay, toàn phường Tân Lập đã có khoảng trên 10 hộ trồng quất có quy mô lớn, họ đều ít nhiều học được ở ông cách làm giàu.