Về Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương), chúng tôi không khỏi chạnh buồn vì bước chuyển mình của làng gạch nổi tiếng một thời này. Người dân nơi đây đang từng bước thay đổi từ nghề sản xuất gạch thủ công sang các nghề khác, tuy nhiên việc đổi nghề không hề dễ dàng.
Ông Đỗ Trung Phượng, Trưởng xóm Làng Phan, cho biết: Trước kia hơn 80% các hộ có lò gạch, những hộ còn lại cũng góp vốn làm cùng hoặc làm thuê cho các hộ trên, nhưng đến nay chỉ có khoảng 20 hộ còn sản xuất gạch, chiếm chưa đến 10% tổng số hộ trong xóm. Ngành nghề chủ yếu của Làng Phan bây giờ là sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ.
Để tìm hiểu rõ hơn những khó khăn của người dân khi chuyển nghề, chúng tôi đã tìm gặp anh Hoàng Văn Dương, một trong những hộ ngày trước sống bằng nghề gạch và được nhiều người biết đến. Hộ anh Dương làm gạch từ những năm 1994, khi phong trào sản xuất gạch thủ công đang nở rộ tại xóm Làng Phan. Mấy năm đầu, gia đình anh bán được gạch, nên thu nhập ổn định. Nhưng khoảng những năm 1998, 1999 khi quỹ đất của gia đình bắt đầu cạn, cộng thêm gạch khó bán do có quá nhiều lò gạch mở ra, gia đình anh đã xác định phải tìm phương thức làm ăn mới. Năm 2000, anh chính thức ngừng sản xuất gạch, chuyển sang làm nông nghiệp. Hỏi về những khó khăn của những ngày chuyển từ sản xuất gạch sang phát triển nông nghiệp, anh nói: "Thời gian đấy khó khăn nhiều lắm, lợi nhuận thu được từ việc làm gạch rất ít, gia đình mới chỉ trả hết tiền vay để xây lò gạch và đầu tư ban đầu nên vốn liếng còn lại chẳng đáng là bao". Xác định chuyển nghề, bước đầu tiên anh quyết định dỡ lò gạch, chuyển những viên gạch còn dùng được sang xây dựng trang trại lợn, khu vực trước kia là lò gạch anh cải tạo thành bãi trồng chè cành. Khu đất trũng gia đình đào lên lấy đất làm gạch, anh chuyển sang cấy lúa. Bước đầu chuyển đổi nghề nghiệp nhiều gian nan, nguồn vốn ít, chè phải sau hai năm mới cho thu nhập, anh bền bỉ chăn nuôi lợn tăng gia sản xuất và tận dụng nguồn phân bón chăm sóc cây trồng. Vượt qua những khó khăn, đến nay, gia đình anh đã vươn lên khá giả, có gần 1 ha chè cành, thường xuyên nuôi từ 50 đến 80 con lợn, mua được cả máy cày, máy tuốt lúa phục vụ sản xuất.
Rời nhà anh Dương, chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Hùng, chị Lưu Thị Yến là hộ cũng đã chuyển đổi nghề. Hiện, anh Hùng đi làm ăn xa để kiếm tiền trang trải cuộc sống, con trai lớn của anh chị vừa mới tốt nghiệp THPT cũng đang đi làm thuê xa nhà. Nhìn hoàn cảnh đơn sơ của gia đình, chúng tôi phần nào hiểu được những khó khăn gia đình chị đang gặp phải. Hộ chị Yến bắt đầu xây lò làm gạch từ năm 1994, nhưng do kinh nghiệm còn ít nên hai lò ban đầu đốt bị cháy, số tiền thu được không đủ trả cho những chi phí bỏ ra. Thời gian sau, mặc dù việc sản xuất gạch có trôi chảy nhưng cũng chỉ đủ để gia đình trả nợ và tiền sinh hoạt phí hàng ngày. Đến năm 2002, gia đình chị hết đất làm gạch, phải chuyển nghề. Chị tâm sự: "Thời gian đầu chuyển nghề gia đình hết sức khó khăn, không đủ tiền san lấp diện tích trước kia làm gạch, đến giờ một số chỗ vẫn ngổn ngang. Đến năm 2005, gia đình tôi mới thuê được người đào sâu vũng xuống làm ao, lấy đất đắp lên làm vườn chè". Nhà chị có 5 sào chè thì đến đầu năm 2009 mới được thu hái, 8 sào ruộng cũng chỉ cho đủ số thóc ăn và phục vụ chăn nuôi.
Hộ anh Dương và chị Yến chỉ là hai trong số 203 hộ sống tại Làng Phan đã và đang trong quá trình chuyển nghề. Theo đánh giá của các cán bộ trong xóm, tỉ lệ các hộ thành công giống như gia đình anh Dương chỉ khoảng gần 60 hộ, các gia đình còn lại đều đang gặp khó khăn trong công việc và có mức thu nhập thấp hơn trước. Hiện nay, Làng Phan có 33 hộ nghèo và khoảng 35 hộ cận nghèo. Việc chuyển đổi nghề khó khăn là do các hộ không có định hướng rõ ràng, cùng với đó là nguồn kinh phí cho việc san lấp diện tích đất trũng rất tốn kém. Các gia đình chuyển sang trồng chè cành phải sau hai đến ba năm mới cho thu nhập, một số hộ muốn đầu tư vào chăn nuôi trang trại nhưng thiếu vốn. Theo nhận định của chúng tôi, việc chuyển đổi ngành nghề ở Làng Phan là tất yếu, thứ nhất là do quỹ đất làm gạch đã cạn kiệt, thứ hai là quy định cấm đốt gạch thủ công của Chính phủ sẽ có hiệu lực vào năm 2010. Tuy nhiên, việc thay đổi cơ cấu nghành nghề cũng đặt ra câu hỏi lớn về việc làm, ông Hoàng Quý Hùng, Bí thư chi bộ xóm nói: Trước đây Làng Phan thường thu hút được lực lượng lao động ở các xóm lân cận, thậm chí rất nhiều người ở Hưng Yên lên làm cùng. Đến nay, lực lượng lao động tại xóm lại nhàn rỗi, hết mùa vụ phải đi làm thuê để tăng thu nhập.
Trước tình hình khó khăn của nhiều hộ dân tại Làng Phan, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng. Ông Ánh cho biết: Lãnh đạo xã có nắm được những vấn đề Làng Phan gặp phải, thời gian qua xã đã tích cực mở các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ giống chè cành, lúa lai cho năng suất cao và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp luôn bám sát địa bàn giúp đỡ nông dân. Về lâu dài, xã không có dự án hỗ trợ nào cho Làng Phan vì bản chất ngày trước ngôi làng này cũng có làm nông nghiệp. Về phía UBND huyện Phú Lương, khi trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nho Hưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm: Chúng tôi rất trăn trở về vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp của Làng Phan, trong thời gian tới, huyện luôn sẵn sàng hỗ trợ các hộ khó khăn của làng phát triển sản xuất theo hình thức hỗ trợ giống và kỹ thuật chăm sóc cây trồng… Huyện cũng liên tục mở các lớp đào tạo nghề sơ cấp miễn phí cho những gia đình trong làng có nhu cầu phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Ngành nghề gắn với cả một cuộc đời, dù ít hay nhiều quá trình chuyển đổi nghành nghề ở Làng Phan cũng đặt ra câu hỏi không nhỏ về việc quy hoạch phát triển kinh tế. Thiết nghĩ, cần có nhiều sự quan tâm của các cơ quan chức năng về vấn đề nghề nghiệp tại Làng Phan.