Mang dê về núi

15:52, 22/09/2009

Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi dê thâm canh được Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên triển khai từ tháng 8/2008 và sẽ kết thúc vào tháng 8-2010.  Mục tiêu của Dự án là đưa giống dê lai về để giúp các hộ chăn nuôi vùng đồi núi cải tạo được tầm vóc dàn dê cỏ truyền thống…

 

Chiều chạng vạng, núi Nước Hai, thuộc xã Phúc Thuận (Phổ Yên) lại bắt đầu rộn tiếng dê kêu be be gọi đàn. Vùng này, từ lâu người dân đã nuôi dê làm kinh tế, điển hình như gia đình ông Nguyễn Xuân Bằng chăn nuôi hơn 70 con dê, trong đó có hơn chục con dê cỏ lai Bách Thảo (dê lai) thuộc Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi dê thâm canh do Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên mang về. Mới đây, ông Bằng đã đầu tư làm thêm khu chuồng trại hết 25 triệu đồng cho dê ở. Ông Bằng thủ thỉ: Tôi đang có dự định mua thêm 50 con dê nữa, như thế mới bõ công chăn.

 

Ông Bằng là 1 trong 15 hộ nông dân ở các xã Phúc Thuận, Phúc Tân và Thành Công tham gia mô hình chăn dê lai của Trạm Khuyến nông huyện. Trước khi về Trung tâm nghiên cứu dê, thỏ Sơn Tây (Hà Nội) bắt dê, các hộ tham gia mô hình được cán bộ Trạm Khuyến nông tập huấn về kỹ thuật chăn, thả, chăm sóc cho dê. Theo bà Nguyễn Thị Chín, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên: Đây là giống dê có tầm vóc to hơn so với giống dê cỏ truyền thống, giống dê này có khối lượng cơ thể trưởng thành: con cái nặng hơn 40kg; con đực cân  nặng hơn 60kg. Chúng có có tính dục tương tự dê cỏ, có khả năng sinh trưởng sau 12 tháng tuổi và động dục trở lại sau 2 tháng, khoảng cách 2 lứa đẻ 7-8 tháng.

 

Ông Phạm Minh Hiệp, thư ký Dự án cho biết: Do con dê lai chưa thích nghi với điều kiện chăn thả tự nhiên, nên ngay trong thời gian 4 tháng đầu đã có hơn 20/165 con dê lai bị chết, trong đó gia đình ông Lê Trọng Kiên, xóm 11 (Phúc Tân) bị chết 3 con; ông Ngô Xuân Thành, xóm Hồng Cóc (Phúc Thuận) bị chết 2 con. Điển hình hơn là đàn dê lai của gia đình ông Nguyễn Xuân Bằng kết hợp cùng người chú ruột ở xóm Nước Hai (Phúc Thuận), nhận nuôi 20 dê cái, 2 dê đực với Dự án, sau hơn 1 năm chăn thả cũng bị chết mất hơn 10 con. Tuy vậy, những hộ dân ở đây vẫn không nản, họ cùng ghép các đàn dê lại với nhau để xây dựng chuồng trại sạch, thoáng, bảo đảm vệ sinh, tiếp tục đầu tư chăn nuôi dê lai, với mong muốn đưa con vật này trở thành hàng hóa, giúp họ xóa được đói nghèo.

 

Bà Trần Thị Phượng, xóm Hồng Cóc tâm sự: Trước đây, gia đình tôi đã nuôi rất nhiều dê, bán rải rác lấy tiền mua sắm vật dụng trong nhà, riêng năm 2007 gia đình tôi bán được hơn 50 con dê. Năm 2008, gia đình tôi  nhận thêm 10 dê cái, 1 dê đực của Dự án. Cũng năm ngoái, gia đình tôi cùng gia đình các bà Trần Thị Hiền; Nguyễn Thị Tươi và Nguyễn Thị Phượng đã liên kết, dồn đàn lập thành trang trại. Ngoài số dê lai của Dự án, 4 hộ chúng tôi còn mua thêm hàng chục dê Cỏ truyền thống về nuôi ghép đàn.

 

Là những người có kinh nghiệm chăn nuôi dê, bản thân họ lại từng sử dụng sữa dê cho trẻ em uống như gia đình bà Nguyễn Thị Tươi (Hồng Cóc), nên các hộ nuôi dê ở vùng đồi, núi xa khuất của huyện Phổ Yên đều ý thức được: Con dê lai sẽ dần thích nghi với điều kiện chăn thả của địa phương, đồng thời sẽ giúp được cho người chăn dê có một đàn dê lai thế hệ mới, có năng suất, chất lượng cao, giúp họ dễ dàng thành công hơn trong con đường làm giầu. Vì thế, họ dựng lán trại, ở luôn trong rừng cùng dê. Một lần, bà Phượng nói vui: Ông Ngô Văn Tám - chồng tôi ở trong rừng với dê nên quên cả vợ, con. Trước đây, ông chỉ ở trong rừng dăm mười hôm lại đảo qua nhà. Đợt này, ông đã ở trên đó gần ba chục hôm chưa thấy về.

 

Từ xóm Hồng Cóc, qua vùng Nước Hai, Chín Suối lên trang trại dê mất nửa giờ chạy xe máy. Nhưng phải hôm trời mưa, đường lầy lội, đi bộ mất hơn 2 giờ mới tới nơi. Những hôm mưa, đàn dê không chịu rời chuồng đi tìm cỏ, cứ ngúc ngoắc cặp sừng vào gióng chuồng đợi chủ mang cỏ về cho ăn. Còn hôm nắng, lúc trời khô sương, vừa tháo gióng chuồng thì tiếng kêu be be đã vang khắp một vùng rừng núi. Ông Tám cho biết: Con dê lai mới được đưa về, nên chúng tôi đang cho chúng làm quen dần với điều kiện chăn thả tự nhiên. Song thỉnh thoảng cũng phải kiếm thêm cỏ hoặc cho ăn thêm khoáng chất để chúng có sức đề kháng. Hồi đầu năm nay, một dê mẹ sinh con, do thiếu sữa nên tôi phải ra chợ mua chai vú giả dành cho trẻ con và sữa bột về pha cho dê con bú.

 

Nhìn đàn dê vừa ăn, vừa chạy khắp sườn đồi, núi khiến mọi người cùng có cảm giác vui mắt. Mấy bác chăn dê bảo với chúng tôi: So với giống dê cỏ, con dê lai lớn nhanh hơn, trọng lượng cũng nặng hơn khoảng 30%; giá bán cũng ngang nhau, hiện tư thương vào mua tại chuồng, dê cái bán được 65 nghìn đồng/kg thịt hơi; dê đực bán được 70 nghìn đồng/kg thịt hơi. Như thế, 1 con dê lai sau khoảng 3 năm chăn thả có khả năng đạt 2,6 triệu đồng/dê cái và 4,2 triệu đồng/dê đực.

 

Ông Hiệp cho biết thêm: Hiện đã có gần 30 dê mẹ sinh con, phần lớn số dê cái còn lại đang... mang bầu. Đặc biệt, dê lai đực còn “tự giác” phối giống với dê cái địa phương. Và để tận dụng sản phẩm thừa của dê, các hộ chăn nuôi này đang đầu tư xây dựng thêm ao nuôi cá, bể nuôi giun quế.

 

... Một ngày mới lại bắt đầu-vùng đồi, núi của Phúc Tân, Phúc Thuận và Thành Công lại chộn rộn tiếng kêu be be vui tai của đàn dê. Tôi thầm mong: Con dê cỏ lai Bách Thảo sẽ cho người chăn dê vùng đồi, núi Phổ Yên nhà cao tầng, xe ô tô và những tiện nghi có giá trị.