"Mùa vàng" ở Đồng Tiến

09:46, 14/09/2009

Những ngày trung tuần tháng 9, về Đồng Tiến (Phổ Yên) gặp rơm vàng trải đầy  ngõ, trên sân nhà lúa vàng rộm được phơi khô, quạt sạch chuẩn bị đổ bồ... Ngoài đồng, những nông dân vẫn mau mải giúp nhau thu hoạch hết những diện tích lúa còn lại, chuẩn bị đất cho sản xuất cây vụ Đông.

Thấy chúng tôi đi thăm đồng, nhiều bà con buông liềm, nói vui: Nhờ các bác về tỉnh chuyển lời... "bắt đền" của nông dân chúng tôi đến mấy bác bên Chi cục Bảo vệ thực vật, vì đã hướng dẫn cho nông dân chúng tôi làm lúa thâm canh cải tiến (SRI), lúa cây cứng, bông to, hạt chắc... gặt gẫy liềm, gánh mỏi vai mới hết thóc.

 

Phó Chủ tịch UBND xã, ông Đặng Đức Kiên “đính chính”: Trong vụ này, toàn xã thực hiện gieo cấy được hơn 300 ha lúa, nhưng nông dân tự làm tới gần 50% diện tích theo kỹ thuật SRI mà không đòi hỏi Nhà nước hỗ trợ. Theo cách sản xuất này, cả xã cộng lại tiết kiệm được khoảng 400 triệu đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi... nhưng năng suất lúa đạt cao hơn so với diện tích sản xuất theo truyền thống khoảng 3 tạ/ha, cá biệt có diện tích đạt khoảng 60 tạ/ha.

 

Ngay khu đồng Trũng Luồn, bà Nguyễn Thị Lẫm, 79 tuổi vẫn ra đồng thu hoạch giúp con cháu. Con dâu bà Lẫm là chị Nguyễn Thị Đăm phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có 10 sào đất lúa, vụ này 9 sào tôi cấy theo kỹ thuật SRI, 1 sào cấy giống mới SYN6. Để cây lúa phát triển tốt, đất không bị chai cứng, trước khi gieo cấy lúa, gia đình tôi sử dụng hơn 1 tấn phân chuồng bón lót, nên cả vụ gia đình tôi chỉ sử dụng hết 20 cân phân đạm, còn năng suất dự kiến đạt trung bình khoảng 210 kg/sào. Cũng ở khu đồng Trũng Luồn, ông Nguyễn Trường Sơn, Trưởng xóm Vườn Dẫy cho biết: Vụ này gia đình tôi cấy 10 sào lúa, cầm chắc hơn 2 tấn thóc phơi khô, quạt sạch. Vừa lúc đó, ông Phạm Xuân Thành, cán bộ nông nghiệp của xã tới nơi. Ông Thành cho biết: Vụ này Đồng Tiến được mùa lúa, dự kiến năng suất toàn xã đạt trung bình 50,6 tạ/ha. Sản lượng dự ước đạt hơn 1.500 tấn. Một số hộ tham gia gieo cấy khảo nghiệm giống lúa mới SYN6 như gia đình ông Nguyễn Thái Duy, xóm Thanh Hoa, lúa đạt năng suất hơn 60 tạ/ha. Nông dân các xóm Vinh Xương, Vườn Dẫy, Đại Cát, Tân Hoa... lúa đạt năng suất đều hơn, 57 tạ/ha, cao hơn năng suất trung bình toàn xã 6,5 tạ/ha. Song trong xã có xóm Con Trê, do đồng ruộng không chủ động được nước tưới, nên lúa đạt năng suất 45 tạ/ha...

 

Khi sang khu đồng Chuôm, chúng tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Quang Huyên, xóm Thanh Hoa đang xếp từng bó lúa để gánh lên bờ. Ông Huyên cho biết: Gia đình tôi cấy 7 sào lúa Khang Dân, trong vụ được Hội Nông dân tín chấp với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp mua phân bón trả chậm, nên việc đầu tư cho sản xuất cũng bớt khó khăn... Trong vụ, 6 lần nông dân chúng tôi được UBND xã thông báo về tình hình sâu bệnh hại, cách sử dụng thuốc trừ sâu hiệu quả, nên diện tích lúa của gia đình cũng như lúa của bà con trong xã không bị cháy rầy, hoặc bị các loại sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân năm vạch, sâu đục thân cú mèo... làm ảnh hưởng năng suất.

 

Tuy nhiên, vào cuối vụ, nắng nóng kéo dài, lúa bị ép chín sớm hơn khoảng 5 ngày so với thời vụ năm trước. Bên đám ruộng gần đó, vợ chồng ông Nguyễn Văn Trọng - Nguyễn Thị Huân, xóm 3 Thanh Xuân đã thu hoạch xong 6 sào lúa sớm của gia đình, hiện gia đình ông bà Trọng - Huân đang thuê máy cày lật đất, làm vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho vụ ngô Đông. Thấy tôi phân vân khi không thấy trên mặt ruộng những cọng rơm, cuống rạ, ông Trọng cười, nói: Không chỉ mang thóc về nhà, nông dân chúng tôi còn tận dụng rơm làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò ngày Đông giá; rạ cũng được mang về để trải chỗ nằm cho vật nuôi, sau đó ủ cùng phân chuồng, vụ sau chuyển ra đồng bón lót cho cây trồng... Trước Khi rời những khu đồng của Trũng Luồn, Chuôm, Vườn Rẫy... ông Phạm Xuân Thành và bà con nông dân ở đó đã hẹn với tôi: Mấy hôm nữa, bác về đây sẽ là những khu đồng ngô, khoai lang, khoai tây vụ Đông rồi. Còn bây giờ mời bác về nhà với nông dân chúng tôi - ăn cơm mới nói chuyện thời vụ.

 

Vâng! Một "mùa vàng" đã về, song một vụ sản xuất mới lại bắt đầu với người nông dân xã Đồng Tiến. Tôi đem niềm vui ấy của bà con nông dân trên suốt dọc đường về thành phố.