Xã Đông Cao (Phổ Yên) có 246/ 1.700 hộ phát triển tiểu thủ công nghiệp. Trong số các nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề mộc nổi lên là nghề đang phát triển. Có khoảng 32 gia đình ở Đông Cao sản xuất đồ gỗ theo cách thức của Làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), tuy vậy, việc phát triển nghề mộc ở đây vẫn còn không ít gian nan.
Để tìm hiểu thực tế phát triển nghề mộc ở Đông Cao, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất đồ mộc Đồng Kỵ của anh Tạ Văn Bình ở xóm Đình, thôn Nam Đô, Anh cho biết: Anh học nghề mộc từ năm 1993, xuất phát từ niềm say mê của bản thân và thực tế nghề mộc ở Phổ Yên có nhiều tiềm năng và có thể phát triển lâu dài. Năm 1996, sau 3 năm học nghề tại làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh), anh trở về lập xưởng sản xuất tại xóm Đình. Nhận thấy trên địa bàn xã Đông Cao đã có nhiều xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng, anh đã xác định cho mình hướng đi riêng, tập trung sản xuất những đồ giả cổ và mỹ nghệ theo đơn đặt hàng. Hiện xưởng của gia đình anh đang tạo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên với mức lương 2 triệu đồng/ người/ tháng.
Chị nguyễn Thị Hằng, nhân công ở đây chia sẻ: Đối với lao động nông thôn, mức lương 2 triệu đồng/ tháng, lại được làm việc gần nhà là quá tốt đối với chị. Hàng tháng, trừ tất cả chi phí anh Bình thu lãi khoảng 8 đến 10 triệu đồng, kinh tế gia đình nhờ đó trở nên khá giả. Theo anh Bình: Đầu ra cho sản phẩm mộc của xưởng anh luôn ổn định. Khó khăn lớn nhất đối với anh Bình chính là thiếu vốn mở rộng sản xuất khi xưởng của anh rất hạn chế tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng do số vốn được vay nhỏ và thủ tục phức tạp nên tiền vốn thường đến chậm so với nhu cầu.
Đối với xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Mạnh Tùng, xóm Xuân Thanh công việc có phần khó khăn hơn. Xưởng mộc của gia đình anh đã thành lập được 20 năm với đội ngũ thợ đã từng làm ở Đồng Kỵ, chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng các sản phẩm: Cửa, tủ, kệ, bàn ghế...Hàng tháng xưởng của anh thu lãi khoảng 12 đến 14 triệu đồng. Với 5 thợ làm thường xuyên và mức lương trả cho công nhân là 2 triệu đồng/tháng, gia đình thu lãi không còn bao nhiêu. Anh Tùng cho biết: Sản phẩm đồ gỗ dân dụng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường, với hình thức sản xuất riêng lẻ như xưởng của gia đình anh thì đầu ra rất bấp bênh.
Hiện nay, nghề mộc ở Đông Cao đã thu hút gần 300 lao động thường xuyên và số lượng khá lớn lao động thời vụ. Phần lớn lao động này là thanh niên đã nghỉ học do vậy đã góp phần giải quyết việc làm và hạn chế tệ nạn xã hội ở địa phương. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy khó khăn của xưởng mộc gia đình anh Tùng cũng là khó khăn chung của hầu hiết các xưởng mộc ở Đông Cao là nguồn vốn để duy trì và mở rộng sản xuất. Thị trường đồ mộc của Đông Cao chủ yếu qua đơn đặt hàng của các cá nhân, chưa tiếp cận được với các đại lý và siêu thị nội thất lớn nên đầu ra rất bấp bênh. Những xưởng có đầu ra ổn định như gia đình anh Tạ Văn Bình chỉ là cá biệt.
Ông Nguyễn Văn Toan, Phó Chủ tịch xã Đông Cao cho biết: Định hướng đẩy mạnh tiểu thủ công nghiệp, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để cho các hộ sản xuất về thủ tục vay vốn và kinh doanh. Kế hoạch của xã cũng là nguyện vọng chung của các xưởng sản xuất đồ mộc là sớm thành lập Hợp tác xã (HTX) đồ mộc ở Đông Cao. Đó sẽ là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ vay vốn Nhà nước, tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm đồ mộc, tạo được nhiều việc làm hơn nữa cho lao động địa phương. Mô hình HTX nghề mộc cũng đã thu được nhiều thành công ở các xã khác trong huyện Phổ Yên như: Trung Thành, Tiên Phong...